Chủ động từ các chủ thể
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) nổi tiếng với sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy có hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. HTX cũng là điểm sáng trong chương trình OCOP của tỉnh. Anh Nguyễn Công Sử, Chủ tịch hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX cho biết, những ngày đầu mới thành lập HTX, sản phẩm chưa có bao bì, nhãn mác nên giá trị sản phẩm thấp. Mỗi năm doanh thu sản phẩm chỉ từ 800 đến 1 tỷ đồng. Đến năm 2019, hợp tác xã đã xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế bao bì, đóng gói bao bì đẹp hình thức bắt mắt, chất lượng sản phẩm được cải thiện cho giá trị doanh thu từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng.
Năm 2020 HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang và đã được cấp chứng nhận cho 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao và 4 sao. Để tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng, bên cạnh việc nghiên cứu cho ra sản phẩm chất lượng, HTX thường xuyên thiết kế, thay đổi mẫu bao bì đẹp và dùng nguyên liệu bao bì như gốc tre, giấy dễ phân hủy, thân thiện với môi trường để bảo quản công nghệ, chất liệu giấy hút chân không. Trên bao bì thể hiện rõ các thông tin cho khách hàng dễ nhận diện như tem sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, logo nhãn hiệu chè và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo UBND huyện Yên Sơn tham quan các mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đã được cải tiến.
Gần đây, HTX đã thiết kế mẫu bao bì là hộp tre có màu vàng cát, kiểu dáng hình trụ, trọng lượng 100g được đóng dưới dạng túi hút chân không, dễ phân hủy ra môi trường. Sản phẩm hàng hóa đang từng bước trở thành một mặt hàng gắn với phát triển du lịch của địa phương.
Nâng cao sức cạnh tranh
Hiểu được tầm quan trọng của việc đổi mới, cải tiến mẫu mã, tem mác, bao bì sản phẩm đối với việc quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, huyện Yên Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn. Yên Sơn cũng là địa phương đầu tiên tổ chức cuộc thi mẫu mã bao bì, nhãn mác hàng hóa sản phẩm OCOP.
Mang đến cuộc thi bao bì sản phẩm bưởi Soi Hà của quê hương, anh Triệu Văn Tuyển, HTX nông lâm nghiệp Xuân Vân chia sẻ: Cùng với chất lượng sản phẩm thì bao bì, nhãn mác cũng góp phần tạo nên thương hiệu của sản phẩm. Bao bì, nhãn mác chính là thứ đầu tiên người tiêu dùng nhìn thấy để nhận diện, xem nguồn gốc xuất xứ từ đó quyết định lựa chọn sản phẩm hay không. Bởi vậy việc hoàn thiện bao bì, nhãn mác gắn với mã vạch, truy xuất nguồn gốc… không chỉ tạo tính hấp dẫn, độ tin cậy cho sản phẩm mà còn trực tiếp tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Hiện nay, huyện Yên Sơn đang dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP với tổng số 61 sản phẩm. Trong đó có 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 52 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt năm 2024, huyện có 4 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc đó là Trà ổi và Hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh; Chuối sấy dẻo của HTX chuối sạch Chiêu Yên và sản phẩm Bưởi Soi Hà.
Với mục tiêu nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, huyện Yên Sơn đã khuyến khích các chủ thể nâng cao năng lực sản xuất đồng thời cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, vừa phù hợp với đặc tính của sản phẩm, vừa gắn với quảng bá hình ảnh quê hương. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Lê Quang Toàn, Hội thi mẫu mã bao bì, nhãn hàng hóa sản phẩm OCOP huyện Yên Sơn là dịp để khuyến khích và phát huy ý tưởng sáng tạo của các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường.
Việc thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP cũng góp phần bảo tồn, phát triển các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Từ đó phát huy các giá trị sản xuất truyền thống đồng thời thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/thay-doi-bao-bi-nhan-mac-san-pham-ocop-bat-kip-xu-the-tieu-dung-205331.html