Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Phạm Kim Đĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố tình hình thiệt hại từ ngày 6-9 đến nay đã có 5 người chết, 6 người bị thương, 72 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 111 nhà thiệt hại nặng và rất nặng; 20.474 nhà bị ngập nước, thiệt hại dưới 30%; 5.106 hộ đã thực hiện di dời đến nơi an toàn; 39 điểm trường học bị ảnh hưởng; 2 trạm y tế xã bị ảnh hưởng; 5.182,6 ha lúa; 2.890 ha ngô, rau màu; 1352,7 ha cây ăn quả và cây hàng năm bị ảnh hưởng, thiệt hại; 908,6 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại; 1.665 con gia súc và 20.072 con gia cầm bị chết; 660 ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 466 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Mưa lũ cũng khiến 37 công trình trạm bơm, đập dâng, hồ chứa, kè bị sạt lở và hư hỏng; 4 sự cố về đê, kè; 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ, đường địa phương nhiều tuyến bị ngập, ách tắc, sạt lở, hư hỏng; 13 cầu liên thôn bị hư hỏng; nhiều cột điện, tuyến cáp quang bị gẫy, đổ; nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị ngập nước, ảnh hưởng và nhiều thiệt hại khác. Ước thiệt hại khoảng 1.351 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão, lũ xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thiệt hại mưa lũ.
Tỉnh cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác để thực hiện kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn và lĩnh vực được giao phụ trách; huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ công an, dân quân khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố bàn các giải pháp khắc phục hậu quả mưa, lũ đã gây ra. Trong đó tập trung khắc phục sự cố các tuyến đê trên địa bàn huyện Sơn Dương; xây dựng tái định cư cho các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại xã Linh Phú, Yên Lập (Chiêm Hóa); khắc phục sự cố vỡ đập xả thải của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) ra môi trường tại xã Bình Phú, Phú Bình, Yên Lập (Chiêm Hóa); khắc phục hỗ trợ người dân có diện tích cây ăn quả bị ngập trên địa bàn huyện Yên Sơn, xem xét quy trình vận hành xả lũ của thủy điện Tuyên Quang; phương án xây dựng cầu tại xã Lực Hành và xã Tiến Bộ (Yên Sơn)…
Lãnh đạo các huyện, thành phố dự hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương đã chủ động thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ sau hoàn lưu bão số 3 vừa qua xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm của mọi miền Tổ quốc đã chung tay cùng với địa phương ủng hộ, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Đồng chí yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là giao thông ở những nơi bị sạt lở; ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả đối với những diện tích nông nghiệp bị ngập nước do lượng phù sa bồi đắp lớn; rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân sau bão, lũ…
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tap-trung-on-dinh-cho-o-sinh-ke-cho-nguoi-dan-sau-bao-lu-198901.html