Thi công dự án Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô. Ảnh Duy Linh
Góp phần sớm ra quyết định chủ trương đầu tư
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia nói riêng tiếp tục được Quốc hội tăng cường, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.
Các dự án được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua gồm Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 202-2025; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1); Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Trong quá trình đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát huy vai trò là cơ quan hỗ trợ hiệu quả cho Quốc hội khẩn trương đưa ra các quyết định, chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá: Những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Đây cũng là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của Kiểm toán Nhà nước.
Công tác kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước. Các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế…
Vì vậy, việc Kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các Đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến cũng như đưa ra ý kiến phản biện của mình.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.
Kịp thời kiến nghị tháo gỡ khó khăn, bất cập
Theo các đại biểu Quốc hội, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư, Kiểm toán Nhà nước luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập, phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.
Một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu, bao gồm: Thông tin tổng quan về chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (mục tiêu, phạm vi, quy mô; nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn, kế hoạch vốn, phương án huy động vốn; phương án phân chia các dự án thành phần; giải pháp tổ chức thực hiện…).
Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia, cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn thu thập thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và quy hoạch; kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia giai đoạn trước; thông tin tổng quan về tình hình ngân sách nhà nước; thông tin kết quả, kiến nghị kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Xác định kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn I (2017-2020).
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số bất cập và đưa ra kiến nghị đối với Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án để rút kinh nghiệm trong triển khai dự án ở giai đoạn II…
Trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Kết quả kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án mà còn phục vụ đắc lực cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2024.