Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự cuộc họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Theo các báo cáo của Chính phủ, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6h ngày 15-9, đã có 348 người chết và mất tích.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cơn bão Yagi là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.
Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.
Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo như chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tại Tuyên Quang.
Thủ tướng biểu dương các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an, người dân với sự ủng hộ, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị ngày 9/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phậu hậu quả bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: khẩn trương khắc phục hậu quả bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”.
Tại Tuyên Quang bão, lũ, lụt đã làm 5 người chết, hơn 20.000 nhà bị hư hại, trên 5.300 nhà bị cô lập, trên 5.000 hộ phải di dời khẩn cấp; trên 5.000 ha lúa, gần 2.000 ha ngô, rau màu, 500 ha cây trồng hằng năm, 660 ha cây ăn quả, trên 650 ha cây lâm nghiệp, trên 1.500 gia súc, hơn 7.500 gia cầm bị thiệt hại.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà xưởng, trường học, trụ sở cơ quan… Đặc biệt đoạn đê sông Lô vị trí xã Quyết Thắng (Sơn Dương) bị vỡ chiều dài khoảng 10m, diện tích ngập khoảng 40 ha; tuyến đê xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương xuất hiện 4 vị trí bị đùn sủi… Tổng thiệt hại ước trên 1.200 tỷ đồng.
Đến 17h, ngày 13-9, tỉnh đã tiếp nhận trên 27,6 tỷ đồng, 200 tấn nhu yếu phẩm hỗ trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hiện nay đang được phân phối đến nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-on-dinh-doi-song-khoi-phuc-san-xuat-198315.html