Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội tại điểm cầu Tuyên Quang.
Hội nghị đã thông qua báo cáo về tình hình tổ chức triển khai thi hành một số luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua; Báo cáo về triển khai thi hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Báo cáo về những nội dung cơ bản và yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của BCH Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Báo cáo công tác triển khai thi hành một số luật như: Luật Đường bộ, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc lớn về công tác lập pháp, xây dựng pháp luật, trong đó, nhiều dự án luật, nghị quyết với chính sách lớn, phức tạp, quan trọng được thông qua. Song song với công tác lập pháp, công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết cũng đã khẩn trương để sớm đưa các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 luật, nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 470 nghị định, quyết định quy phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án luật, dự thảo, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành 131 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và 8.398 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Tính đến ngày 25/7/2024, 36 luật, nghị quyết đã có hiệu lực từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 125 văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng các văn bản đã khó khăn nhưng đưa các văn bản vào cuộc sống còn khó khăn hơn. Trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những vấn đề cần phải điểu chỉnh nhằm khơi thông nguồn lực, động lực, nhất là động lực tăng trưởng về chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng các dự án luật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phải tuân thủ quy định pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Công tác phối hợp giữa Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan cần được quan tâm, chú trọng và thực hiện linh hoạt, chủ động với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp ngay từ đầu.
Các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện, trình ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết; tổ chức thực hiện các kế hoạch một cách hiệu quả, thiết thực; khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, quán triệt nguyên tắc “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Công tác truyền thông chính sách luôn được chú trọng, đi trước một bước, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân đảm bảo nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ dư luận xã hội và người dân cả nước.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-trach-nhiem-trong-cong-tac-xay-dung-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-195819.html