Kỷ luật, kỷ cương được đề cao
Trong thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Các cơ quan, đơn vị đã từng bước xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc, đạo đức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ; quan tâm lãnh đạo thực hiện hiệu quả cải cách công vụ, CCHC trong cơ quan và thực hiện đồng bộ các giải pháp chống quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trên cơ sở chức danh, vị trí việc làm hiện có phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, bộ phận và của từng cá nhân đồng thời định kỳ đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác gắn với kết quả thực hiện để tổng hợp, đưa vào đánh giá, xếp loại, thi đua, khen thưởng.
Lãnh đạo HĐND huyện Sơn Dương thực hiện giám sát việc giải quyết TTHC tại xã Phúc Ứng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác được giao. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra thực hiện đạo đức công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thông qua tăng cường kiểm tra cũng là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa không để lơ là, vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm trong xử lý công việc, chất lượng công tác tham mưu, tiến độ giải quyết công việc, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, thái độ phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh bước đầu đã có chuyển biến tích cực; cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Vẫn còn tình trạng thiếu chấp hành kỷ luật, kỷ cương
Tuy nhiên, qua đánh giá của UBND tỉnh cho thấy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; còn tình trạng thực hiện nhiệm vụ chưa kịp thời, có việc còn chậm, muộn kéo dài. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu chủ động, né tránh, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm trong giải quyết công việc, như: Cơ quan được phối hợp tham gia ý kiến về nội dung công việc có liên quan trả lời còn chung chung, không thể hiện quan điểm, chính kiến theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu, đề xuất, tổng hợp chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan chủ trì, chưa thể hiện quan điểm, chính kiến rõ ràng, chưa rà soát hết trách nhiệm của các cơ quan liên quan, còn đẩy việc lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định…; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện một số nhiệm vụ được giao chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất; một số cán bộ, công chức, viên chức còn vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước đến mức phải xử lý, kỷ luật…
Những tồn tại này không chỉ làm giảm tính nghiêm minh trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả xử lý từng công việc cụ thể, đồng thời tác động đến nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu cải thiện, nâng cao Chỉ số Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)… và là yếu tố kìm hãm sự phát triển của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện hồ sơ TTHC.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên do: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một cấp ủy, chính quyền chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Phương pháp quản lý cán bộ, công chức chưa phù hợp, chưa phát huy được năng lực, sở trường, thiếu đổi mới, sáng tạo. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định, quy chế thiếu thường xuyên, chưa gắn việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính vào việc đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên, tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức hằng năm. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu còn hạn chế. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội; công tác kiểm tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa thường xuyên nên việc phát hiện cán bộ, công chức vi phạm chưa kịp thời, xử lý thiếu nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, giáo dục…
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức
Việc tăng cường kỷ luật kỷ cương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu ra nhiều lần qua các kỳ họp thường kỳ của UBND tỉnh. Một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính là việc nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng chí đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát Quy chế làm việc, bám sát sự chỉ đạo Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chương trình công tác của UBND tỉnh để triển khai tốt nhiệm vụ; phải tăng cường quán triệt, tuyên truyền, tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới, khát vọng phát triển để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới học tập, noi theo.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật hành chính. Cơ quan thanh tra của tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đột xuất và định kỳ nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định, từ phê bình, khiển trách cho đến đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Điều này không chỉ nâng cao tính răn đe mà còn tăng cường sự minh bạch, công bằng trong các hoạt động công vụ.
Song song với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương cần đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục. Hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến được triển khai nhằm giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong công tác hành chính.
Vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Chỉ thị đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện ngay. Trong đó phải nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, đi đầu về tác phong, lề lối làm việc.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ. Chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng chí cũng đặt các yêu cầu đối với cán bộ công chức, người lao động phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tuân thủ các quy định về chuẩn mực giao tiếp, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, hoạt động nghề nghiệp, kỷ luật phát ngôn…
Đồng chí Nguyễn Văn Việt,
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ
Trách nhiệm thực thi công vụ
Năm 2023 và 2024, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức tại 32 cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và việc chấp hành các quy định về văn hóa công sở của cán bộ, công chức, đặc biệt là các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22/10/2024 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Nỗ lực cải cách hành chính
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời không ngừng nâng cao chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2024, ngành đã tiếp nhận trực tuyến trên 37.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 91,2% tổng số hồ sơ nộp vào; số hồ sơ đã được giải quyết đúng hạn đạt 98,5%, mang đến sự hài lòng, niềm tin cho Nhân dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực riêng của ngành là chưa đủ, bởi nhiều thủ tục hành chính liên quan đến rất nhiều ngành, cơ quan, đơn vị. Do đó, ngành mong muốn, các ngành, cơ quan liên quan tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy mới cải cách hiệu quả các thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng thực sự cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Giang Tuấn Anh
Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương
Xây dựng phong cách, lề lối làm việc
Huyện Sơn Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chấn chỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, đặc biệt coi trọng và thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức phổ biến, quán triệt và tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp; chỉ đạo làm tốt vai trò người đứng đầu trong gương mẫu thực hiện… Năm 2021, huyện đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Qua đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Nguyễn Hữu Thập
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, vai trò của cán bộ, công chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững, ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức là điều tiên quyết. Họ là những người thực thi chính sách, nhưng cũng là cầu nối giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Tinh thần phục vụ tận tâm, lắng nghe, sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tôi tin rằng ý thức và trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao uy tín và hiệu quả của bộ máy hành chính, đồng thời xây dựng niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với Nhà nước.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-hanh-chinh-201714.html