Lan tỏa phong trào
Xã Tứ Quận (Yên Sơn) rất nổi tiếng với thương hiệu cam lòng vàng, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP cuối năm 2022. Thương hiệu này có được, nhờ sự vận động, gương mẫu của anh Nguyễn Văn Vĩnh, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Cây Nhãn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thịnh.
Anh Vĩnh cho biết: Từ những năm 2000, cây cam, cây bưởi bắt đầu được đưa về trồng. Đến cuối những năm 2014, 2015, khi những cây bưởi đã già cỗi, một vài người dân đã thử nghiệm ghép cam lòng vàng trên gốc bưởi. Ngờ đâu, sống trên những bộ rễ khỏe, cây cam phát triển tươi tốt, sai trĩu quả.
Riêng gia đình anh hiện có 4 ha cam, hàng năm thu nhập trên 1 tỷ đồng. Nhận thấy chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã vận động, chia sẻ kỹ thuật trồng cam lòng vàng cho người dân trong thôn, xã. Hiện nay, thôn Cây Nhãn có 40 hộ trồng hơn 25 ha cam lòng vàng. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình trong thôn đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm như: Tạ Văn Vượng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Thi…
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các đơn vị tặng quà cho học sinh xã Bạch Xa (Hàm Yên) có hoàn cảnh khó khăn.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang qua địa bàn huyện Hàm Yên dài hơn 48 km với tổng số 1.600 hộ phải di dời giải phóng mặt bằng. Là một trong những hộ đầu tiên của xã Bạch Xa thực hiện giải phóng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, anh Nông Văn Thìn, Bí thư Chi bộ thôn Nà Quan chia sẻ, gia đình anh có hơn 10.000 m2 đất phải giải phóng mặt bằng gồm: nhà ở, ruộng và vườn cây. Hàng năm, từ diện tích đất này, cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng, nên anh lo lắng lắm.
Nhưng khi nắm rõ chủ trương, lợi ích của dự án, là đảng viên, người đứng đầu chi bộ, anh nghĩ mình phải gương mẫu, đồng tình ủng hộ, giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công. Cùng với đó, với vai trò là bí thư chi bộ, anh còn tuyên truyền, vận động 20 hộ trong thôn đồng thuận, nhận hỗ trợ đền bù, khẩn trương giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.
Đồng chí Mai Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Hàm Yên cho biết, huyện xác định công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, xuyên suốt. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra nghị quyết chuyên đề về riêng công tác giải phóng mặt bằng để chỉ đạo thực hiện lấy tinh thần gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên làm tiền đề chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình; chủ động nắm chắc tình hình của nhân dân; phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh; về chủ trương, cơ chế, chính sách, phương án bồi thường, các điều kiện bảo đảm cho tái định cư. Đến nay, huyện đã thực hiện giải phóng hơn 40 km/48,16 km; có 1.320 trên tổng số 1.410 hộ nhận tiền bồi thường; hoàn thành di chuyển toàn bộ 335 ngôi mộ, nghĩa trang gia đình…
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
Đồng chí Vương Thúy Hằng, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm về công tác dân vận vào các kế hoạch và chương trình hành động; tham mưu triển khai thực hiện Đề án số 02 ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Đề án đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực, sâu rộng.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.700 lượt chi bộ, đảng bộ cơ sở, gần 150.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động ở cơ sở với gần 420.000 lượt người dân hưởng ứng tham gia; giúp 769 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên 1.091 lượt nhà văn hóa; trồng, chăm sóc 1.650 km tuyến đường hoa; làm đường bê tông, đắp hoàn đường bê tông trên 140 km; vận chuyển, lắp đặt trên 44 km cấu kiện kênh mương bê tông đúc sẵn; xây 98 lò đốt rác thải; sửa chữa, lắp đặt gần 176 km đường thắp sáng đường quê; thăm, tặng quà hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trị giá trên 6,3 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh đã có gần 11.000 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó có trên 2.500 mô hình tiêu biểu có sức lan tỏa rộng rãi. Thông qua Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, huy động sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra. Toàn tỉnh đã có trên 8.100 người với trên 18.400 lượt cán bộ, chiến sĩ; trên 100 ô tô, 77 xuồng, thuyền, ca nô các loại, trên 6.090 phao tròn, phao bè, 150 nhà bạt cứu sinh, 11.690 áo phao cùng nhiều các trang thiết bị khác để tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão số 3; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình, địa phương bị thiệt hại bởi cơn bão. Sau bão, tỉnh đã tiếp nhận trên 99 tỷ đồng tiền mặt; 470 tấn nhu yếu phẩm từ Trung ương, các tỉnh thành phố, các tổ chức, cá nhân, kiều bào ở trong và ngoài nước.
Đồng chí Lê Văn Quốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ khẳng định: Phong trào thi đua “dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định đây là chủ trương đúng, trúng ý Đảng, hợp lòng dân, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/suc-manh-tu-dan-van-kheo-200175.html