Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát diện tích đất trống, đồi trọc, diện tích rừng đến tuổi khai thác để yêu cầu các chủ rừng đẩy nhanh việc khai thác, sau đó trồng lại rừng ngay. Đồng thời, thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc cây giống lâm nghiệp tại từng vườn ươm trên địa bàn để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.
Cũng giống như bao gia đình thuần nông khác ở xã Lương Thiện, gia đình anh Bàn Văn Chiến, dân tộc Dao ở thôn Tân Thượng trước đây chỉ thâm canh các loại cây lúa, cây ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, kinh tế khó khăn. Nhận thấy cây keo có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của địa phương nên gia đình anh đã tận dụng nguồn đất sẵn có quyết tâm làm giàu từ cây trồng này.
Anh Chiến chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng rừng sản xuất từ năm 2016, ban đầu trồng 5ha rừng keo, đến năm 2020 gia đình tiếp tục trồng mới hơn 3ha, trong đó có hơn 1ha được hỗ trợ trồng bằng cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Nhờ trồng bằng cây giống chất lượng cao nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã khai thác diện tích 5 ha rừng keo, trừ mọi chi phí gia đình thu về trên 450 triệu đồng. Cùng với việc chăm sóc trên 3ha rừng keo hơn 4 năm tuổi, hiện tại gia đình tôi đang tập trung trồng mới diện tích 5ha giống keo mô. Nhờ trồng rừng cuộc sống của gia đình tôi đã được nâng lên rất nhiều.
Anh Triệu Văn Đoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thượng cho biết, thôn có 79 hộ dân, trên 98% là người Dao. Hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn hiện nay là trồng rừng với tổng diện tích khoảng 330 ha. Nhờ trồng rừng nhiều hộ dân trong thôn xây được nhà ở khang trang, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, điển hình, như: Hộ anh Bàn Văn Chiến, Lương Văn Thọ, Lương Văn Năm, Lương Văn Phúc… Đến nay, thôn có 65/79 hộ có nhà xây kiên cố. Năm 2023, thôn có 8 hộ thoát nghèo, hiện thôn còn 25 hộ nghèo, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay, thôn sẽ có thêm 5 hộ thoát nghèo.
Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang về hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trồng rừng sản xuất trong thời gian qua đã và đang thể hiện rõ những hiệu quả thiết thực. Tại Sơn Dương, hiện nay, tổng diện tích trồng rừng đạt 2.255,8/1.835 ha rừng, bằng 122,9% kế hoạch được giao; diện tích khai thác rừng đạt 1.887/1.800 ha, bằng 104,8% kế hoạch được giao; sản lượng khai thác đạt 223.189,8/219.000m3, bằng 101,9% kế hoạch được giao. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC và VFCS thực hiện được 9.578,26 ha.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, tỷ lệ giảm nghèo năm 2024 của Sơn Dương vượt kế hoạch giao, đạt 4,84% (kế hoạch giao 3,5%), tỷ lệ hộ nghèo cuối năm là 7,01% (kế hoạch giao là 8,35%). Thu nhập bình quân đầu người/năm tại Sơn Dương là 56,46 triệud đồng, đạt 100% kế hoạch.
Thời gian tới, Sơn Dương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm quản lý về bảo vệ và phát triển rừng bền vững cho nhân dân. Bên cạnh đó, giải quyết đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật lâm nghiệp, để người dân làm nghề rừng và những người dân sống gần rừng có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị kỹ thuật để phát huy năng lực làm chủ công nghệ nuôi cấy mô; tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây lâm nghiệp và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đáp ứng tiêu chuẩn rừng gỗ lớn; thực hiện các biện pháp thâm canh rừng trồng và từng bước ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng…