Trên địa bàn huyện còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, có bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc khá đa dạng và phong phú. Đến nay trên địa bàn huyện có 5 di sản văn hóa phi vật thể gồm: hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Lễ hội Đình Thọ vực xã Hồng Lạc và Lễ hội Đình Hồng Thái xã Tân Trào đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đoàn nguyên cán bộ Trung ương Cục miền Nam tham quan tại Di tích lán Nà Nưa.
Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, là một trong 3 khâu đột phá. Do vậy, huyện đã có những chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, quảng bá các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, từ năm 2016 đến nay huyện đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho một số bộ, ngành Trung ương thực hiện các dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử với tổng kinh phí trên 129 tỷ đồng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử trọng điểm, như: Cụm di tích lịch sử Nà Nưa, cụm di tích lịch sử Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ, cụm di tích lịch sử Đồng Man – Lũng Tẩu, cụm di tích lịch sử Làng Sảo. Đến nay huyện phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đã triển khai hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, đang triển khai hoàn thành công trình bảo tàng Tân Trào; khu trưng bày và chiếu phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”…
Huyện cũng đã quan tâm huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, đã thu hút các doanh nghiệp triển khai thực hiện một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn như: Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào do Tập đoàn Flamingo thực hiện. Đến nay dự án đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và đang tiếp tục thi công giai đoạn 2 với các hạng mục khu lưu trú dạng homestay sinh thái, shop dịch vụ quanh bãi xe, nhà đón tiếp… một số hạng mục, dịch vụ đã được khai trương vào cuối tháng 4; Dự án khu du lịch lâm viên Hồ Hoa Lũng; Dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 quảng bá hình ảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Dự án vườn hoa Tân Trào; Dự án khu trồng cây lưu niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Dự án Cổng làng văn hoá, chỉnh trang khuân viên, cổng homestay tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào;…
Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nên khách du lịch đến với Sơn Dương đang chiếm gần 50% tổng số khách du lịch toàn tỉnh. Doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.