Sau khi cơn lũ lịch sử đi qua, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả do mưa lũ để lại. Trong đó, việc ổn định nơi ở mới an toàn hơn cho bà con bị mất nhà do lũ cuốn trôi, sạt lở đất hay phải di dời khẩn cấp do nằm trong vùng nguy hiểm đã và đang được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt. Qua đó, giúp các hộ dân sớm có nơi ở, sớm ổn định cuộc sống.
Giải pháp cấp bách trong mưa lũ
Đồng chí Mai Đình Thư, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã có 02 hộ dân bị mưa lũ làm sập, cuốn mất nhà; 12 hộ đang ở trong khu vực đặc biệt nguy hiểm đã được di chuyển tới các nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, tiểu học trong khu vực.
Hiện tại cuộc sống của 14 hộ dân này đã cơ bản ổn định, xã cũng ưu tiên các nguồn hàng cứu trợ của tỉnh, huyện và các đoàn thiện nguyện cho các hộ dân phải di dời nhà ở để họ với bớt khó khăn, yên tâm trong thời gian tạm trú, tránh thiên tai.
Cùng với việc bố trí tạm thời chỗ ở cho người dân bị thiên tai làm ảnh hưởng đến nhà ở, xã đang nỗ lực tìm đất để làm nhà tái định cư cho người dân. Xã đã tham mưu và đề nghị huyện lựa chọn những vị trí đất đảm bảo an toàn nhất để bố trí tái định cư cho bà con. Ngay sau khi có đất, lực lượng dân quân, thanh niên sẽ đến hỗ trợ nhân dân dựng nhà.
Một số hộ dân thôn Pắc Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa đã được di chuyển ở tạm tại nhà văn hóa.
Mưa lũ trong đêm 9/9 vừa qua đã khiến ngôi nhà của gia đình anh Lý Văn Día, thôn Pắc Hóp, xã Linh Phú bị sập, cuốn trôi hoàn toàn. Ngay sau khi gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do lũ quét, chính quyền xã Linh Phú đã bố trí cho gia đình anh Día ở tạm thời tại Nhà văn hóa thôn ngay trong đêm, đồng thời huy động lực lượng di chuyển tài sản, hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mỳ tôm, nước uống giúp gia đình anh ổn định tạm thời cuộc sống ở nơi tránh trú.
Anh Día chia sẻ: Bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, gia đình cũng buồn lắm nhưng may mắn tôi và người thân đều an toàn, được hỗ trợ di chuyển ra nhà văn hóa thôn để ở nên cũng an tâm hơn. Ở đây, gia đình tôi cũng nhận được sự giúp đỡ cán bộ xã, lực lượng công an, quân đội, sự đùm bọc của bà con dân bản; đồ ăn thức uống, chăn màn đầy đủ… Gia đình tôi cảm ơn nhiều lắm.
Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn những hộ dân bị hư hỏng nhà vẫn được xã, các thôn tạo mọi điều kiện ở nhà văn hóa. Ông Hoàng Ngọc Chương, thôn Chợ, xã Xuân Vân xúc động chia sẻ, may có chính quyền bố trí chỗ ở, các tổ chức hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm nên cuộc sống của vợ chồng ông tương đối ổn định, không quá bí bách.
Theo đồng chí Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Sơn – Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, trong đợt mưa lũ vừa qua huyện có 35 nhà bị hư hỏng nặng, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn. Các hộ đều đã được bố trí ở tạm tại nhà văn hóa, nhà dân ngay tại thôn. Những nhà bị sập, thiệt hại nặng trên địa bàn các xã Trung Minh, Hùng Lợi, Nhữ Khê, Nhữ Hán, Phúc Ninh cũng đã được chính quyền thăm hỏi, động viên kịp thời.
Khẩn trương ổn định nơi ở
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệt hại do mưa lũ hoàn lưu cơn bão số 3 và tình hình xả lũ hồ thuỷ điện Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại rất lơn: Số nhà ở bị thiệt hại là 20.279, trong đó: 1.109 nhà bị đất sạt lở taluy, tốc mái (47 nhà bị thiệt hại trên 70%, 66 nhà bị thiệt hại 50-70%; 42 nhà bị thiệt hại 30-50%; 1.231 nhà bị thiệt hại dưới 30%); 19.220 nhà bị ngập nước (Huyện Sơn Dương 857 nhà; Huyện Yên Sơn 1.860 nhà; Thành phố Tuyên Quang 13.694 nhà; Huyện Hàm Yên:524 nhà; Huyện Chiêm Hoá 1.765 nhà; Huyện Na Hang 520 nhà). Số hộ đã phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn: 5.106 hộ. Số hộ đã bị cô lập cách ly với khu vực xung quanh: 5.364 hộ. Ngoài ra thiệt hại rất lớn về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống viễn thông…
Trong các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định lũ lụt đã qua đi, tuy nhiên cuộc sống của người dân, đặc biệt là những hộ bị mất nhà cửa vẫn vô cùng khó khăn. Yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào bị đói, rét, thiếu chỗ ở, các địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục, ưu tiên cao nhất là ổn định chỗ ở cho người dân.
Tại huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Na Hang 100% chiến sĩ công an, quân đội đã tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa lại nhà ở cho người dân. Tạm thời các hộ có nhà bị hư hỏng đã được khắc phục, nhiều gia đình sau thời gian tránh trú đã trở về với ngôi nhà thân yêu của mình. Với những hộ có nhà bị sập, lũ cuốn trôi, các địa phương đã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ trước mắt cho các gia đình.
Lực lượng Quân đội huyện Sơn Dương, dân quân xã Tam Đa hỗ trợ người dân trên địa bàn xã sửa lại nhà ở.
Đồng chí Ma Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, toàn huyện có 466 gia đình bị hư hại nhà ở, trong đó có 7 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tài sản và nhà ở. Ngoài việc bố trí, sắp xếp chỗ ở tạm thời, huyện cùng các mạnh thường quân xuống hỗ trợ trực tiếp tiền, đồ dùng, nhu yếu phẩm giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống. Cùng với đó, huyện cũng đã đề xuất với tỉnh, trung ương quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung xây dựng các khu tái định cư để di chuyển các hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và cũng là cơ quan được giao nhiệm vụ sắp xếp ổn định dân cư vùng xung yếu cho biết: Các hộ gia đình bị mất nhà trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đều đã được bố trí chỗ ở tạm thời. Về lâu dài, Sở đang làm việc với các huyện, thành phố chỉ đạo xã tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng, anh em dòng tộc nêu cao tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” sang nhượng đất ở cho các gia đình này cũng như các hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm, phải di dời.
Riêng với những hộ không bố trí được đất ở, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh để đưa vào các diện sắp xếp bố trí dân cư theo hình thức xen ghép hoặc tập trung tùy vào điều kiện của từng địa phương, đảm bảo tất cả các hộ đều sớm có nhà ở, nhanh chóng ổn định đời sống.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, cùng việc phải mở 8
cửa xả đáy của thuỷ điện Tuyên Quang nên mực nước dâng cao, đã gây lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng trên diện rộng, thiệt hại về người, tài sản và sản xuất của nhân dân. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thời tiết, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn hồ thủy điện, đê điều, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do gập, lụt tại vùng hạ du, các vùng thấp trũng. UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nước rút, chỉ đạo các địa phương kịp thời tổ chức ổn định tình hình đời sống, lao động, sản xuất của nhân dân; xử lý, vệ sinh môi trường và khôi phục các hoạt động bình thường sau mưa lũ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, kịp thời, hiệu quả. Đến nay, cơ bản các hoạt động và đời sống của nhân dân đã trở lại trạng thái bình thường./.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh
Nguồn: http://tuyenquang.gov.vn/vi/post/som-on-dinh-noi-o-cho-cac-ho-dan-bi-mua-lu-pha-hong-nha?type=NEWS&id=124600