Công nghiệp chủ lực phục hồi
Từ cuối năm 2022, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đã đầu quân cho “ông lớn” ngành thép Thái Hưng (TQIS). Năm 2023, tổng doanh thu toàn hệ thống Thái Hưng ghi nhận 21.300 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022, nắm giữ 13% thị phần thị trường thép xây dựng Việt Nam.
Sau khi có chủ sở hữu mới, nhà máy đã được ứng dụng hệ thống quản lý, công nghệ mới vào sản xuất. TQIS đã ứng dụng công nghệ lò cao cho khu liên hợp gang thép tại Tuyên Quang với nhà máy có dây chuyền sản xuất đồng bộ, tự động hóa cao, quá trình sản xuất khép kín từ khâu khai khoáng, tuyển quặng đến luyện kim. Nhà máy này có thể sản xuất ra các loại vật liệu thép chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia với công suất tối đa 550.000 tấn thép các loại. Ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết: Phấn đấu năm 2024, nhà máy sản xuất 280.000 tấn thép, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng, kỳ vọng đóng góp lớn vào tiềm năng tăng trưởng của tỉnh Tuyên Quang và hệ thống ngành thép Thái Hưng. Hết tháng 11, đơn vị sản xuất đạt 280.000 tấn thép các loại, ước thực hiện năm 2024 đạt 290.000 tấn, vượt mục tiêu đề ra, doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có lợi nhuận sau 8 năm trở lại đây. Sản xuất đã phục hồi sau những trận “bão” thị trường thép nhiều năm qua.
Xưởng ván ép PlyWood Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang nhộn nhịp những tháng cuối năm.
Công ty cổ phần Giấy An Hòa đang dồn lực về đích mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2024. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính, nhân sự Công ty CP Giấy An Hòa cho hay, không ngừng phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động luôn là tiêu chí hàng đầu của Công ty. Dây chuyền bột giấy của Công ty có công suất hơn 130.000 tấn/năm chạy đủ tải nên đến hết tháng 11-2024 đã đạt 83.000 tấn sản phẩm, dự kiến hết năm 2024 đạt 90.000 tấn sản phẩm, vượt 5.000 tấn so với kế hoạch năm. Các sản phẩm của An Hòa đã dần thay thế sản phẩm nhập khẩu và chiếm 100% thị phần trong nước và đang xuất khẩu ổn định sang 10 nước, doanh thu ước đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước từ 120 đến 140 tỷ đồng/năm.
Không chỉ có ngành gỗ, ngành thép, ngành chè cũng đã hồi phục sau đại dịch Covid, sản lượng xuất khẩu đã đạt 100% kế hoạch đề ra.
Khép kín đơn hàng
Xưởng ván ép PlyWood những ngày này không khí làm việc đang diễn ra khẩn trương cho những đơn hàng cuối năm. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt, hiện đại là những yếu tố giúp 250 công nhân ở đây gắn bó lâu dài với công ty trong suốt thời gian qua. Đây cũng là phân xưởng trực tiếp sản xuất ra một trong hai sản phẩm thương hiệu quốc gia. Anh Nguyễn Trung Hiếu, Quản đốc nhà máy Yên Sơn 2, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chia sẻ: Mỗi cán bộ, công nhân đều cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi khi những sản phẩm do mình làm ra được ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực cùng công ty nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời gian tiếp theo.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ở Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất. Sản phẩm của công ty chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước Châu Âu,… Năm 2024, dự kiến công ty sản xuất hơn 41.000 m3 gỗ các loại, đạt doanh thu khoảng trên 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 66 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 2.400 lao động, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Hải Bằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland khẳng định: Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp, Công ty cổ phần Woodsland trở thành một trong những doanh nghiệp xuất sắc được vinh danh trong chương trình Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Việc đạt được danh hiệu Thương hiệu quốc gia không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn thể hiện cam kết của Woodsland trong việc cung cấp các sản phẩm gỗ chất lượng, thân thiện với môi trường. Chính vì thế công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I-2025.
Với nhiều giải pháp, nỗ lực vượt khó, đa số các doanh nghiệp FDI đều chờ thu “quả ngọt”. Thời điểm này, Công ty TNHH MSA-YB đã nhận đủ đơn hàng để 100% số công nhân làm việc đến hết tháng 1-2025. Để bảo đảm các đơn hàng, công nhân đã tăng ca 2 giờ/ngày. Hiện hằng tuần công ty đều xuất khẩu các lô hàng thành phẩm cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết. Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính Công ty May MSA-YB, Khu Công nghiệp Long Bình An cho biết thêm, dự kiến doanh thu năm 2024 của công ty tăng từ 15 – 20% so với năm 2023.
Hàng loạt doanh nghiệp FDI khác như: Công ty TNHH Seshin VN2, Công ty TNHH sản xuất Giày Chung JYE; Công ty TNHH WooJin Vina Korea;… đơn hàng cũng đều tăng từ 5% – 20% so với năm 2023. Nhiều doanh nghiệp đều sản xuất vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm được đơn hàng lớn cho năm 2025.
Theo Sở Công Thương, ngoài sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đồng hành hỗ trợ bằng hành động cụ thể. Tỉnh cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường xúc tiến thương mại; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự kiến đến hết năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 14,71% so với năm 2023.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/san-xuat-cong-nghiep-tang-toc-ve-dich-202828.html