Đồng bộ ở các khâu
Đề án số 15 đề ra mục tiêu, đến năm 2030, có từ 10% trở lên cán bộ trẻ là cấp ủy viên cấp tỉnh, trên 10% cán bộ trẻ là cấp ủy viên cấp huyện, trên 20% cán bộ trẻ là cấp ủy viên cấp xã, 20% cán bộ trẻ là cấp ủy viên cơ sở, từ 20% trở lên cán bộ trẻ là đại biểu HĐND cấp tỉnh, từ 30% trở lên cán bộ trẻ là đại biểu HĐND cấp huyện…
Thực hiện mục tiêu này, ngay sau khi ban hành Đề án, các đảng ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện Đề án. Theo đó, nhiều giải pháp đã được thực hiện ở tất cả các khâu như đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển, điều động.
Các cơ quan, đơn vị đã mạnh dạn giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ trẻ để rèn luyện, thử thách, phát hiện nguồn cán bộ trẻ có đạo đức tốt, năng lực nổi trội để đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở quy hoạch, các cấp ủy đã quan tâm và ưu tiên cán bộ trẻ khi cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.
Trong những năm gần đây, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã chú trọng bố trí, sử dụng cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Đinh Thanh Tuyền (bên trái ảnh), Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện (Yên Sơn) thăm mô hình trồng ớt của nhân dân.
Chiêm Hóa là địa phương thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ. Ở cấp huyện, đến hết năm 2023, huyện Chiêm Hóa có 2 cán bộ trẻ là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, 7 cán bộ trẻ là cấp trưởng, phó các ban, cơ quan đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, 6 cán bộ trẻ là lãnh đạo các phòng, 5 cán bộ trẻ là cấp trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp công lập. Ở cấp xã, hết năm 2023, có 105 cán bộ trẻ là Ủy viên BCH, 20 cán bộ trẻ là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Chiêm Hóa có 6 cán bộ được điều động, luân chuyển, trong đó có 2 cán bộ trẻ.
Cụ thể hóa trong thực tiễn
Đồng chí Trần Hữu Dương, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết, hiện nay xã có 21 cán bộ, công chức, 100% cán bộ, công chức có trình độ Đại học, 100% cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị, cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ 40%. Hàng năm, BCH Đảng bộ xã đều chú trọng giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để thử thách, rèn luyện. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã còn bố trí, phân công cán bộ trẻ phụ trách theo dõi các thôn đặc biệt khó khăn, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đông đảng viên, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện phẩm chất đạo đức, các mặt công tác của cán bộ trẻ, BCH, Ban Thường vụ xem xét, đề xuất đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời mạnh dạn đề xuất với cấp ủy cấp trên xem xét để bố trí cán bộ trẻ vào các chức danh lãnh đạo. Trong năm 2024, xã có 1 đồng chí là Bí thư Đoàn sinh năm 1991 được bầu vào chức danh Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, 1 đồng chí sinh năm 1991 là cán bộ bán chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Đồng chí Hoàng Ngọc Ánh, cán bộ trẻ hiện đang là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Phú chia sẻ, khi còn là cán bộ bán chuyên trách Văn phòng Đảng ủy kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nên thường xuyên được các đồng chí trong cấp ủy, trưởng các tổ chức đoàn thể quan tâm rèn luyện, giao việc, cử tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác Mặt trận, công tác dân vận, tập hợp quần chúng…
Ánh cũng thường xuyên tranh thủ thời gian cùng các đồng chí cấp ủy viên xuống họp thôn, nắm tình hình và gần gũi với Nhân dân để học hỏi từ thực tiễn. Qua đó, từng bước được trưởng thành. Khi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Ánh được cấp ủy giao việc đột phá huy động nguồn lực làm nhà ở cho 2 hộ nghèo trong xã, đồng thời cũng được phân công phụ trách thôn có đông hộ dân, đông đảng viên nhất xã.
Những năm gần đây, thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Yên Sơn đặc biệt chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ trẻ thông qua việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chính trị, trình độ chuyên môn, trang bị và nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo; luân chuyển, điều động, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ.
Đạo viện là xã đặc biệt khó khăn của Yên Sơn, xã có 20 cán bộ, công chức, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi chiếm gần 50%. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức xã có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên, trong đó có 2 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, gần 100% cán bộ, công chức có trình độ Đại học. Đội ngũ cán bộ trẻ của xã không chỉ được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn mà còn được quan tâm rèn luyện trong thực tiễn thông qua giao việc khó, việc mới, thông qua kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Đinh Thanh Tuyền, sinh năm 1987 hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện chia sẻ, sau khi làm Chủ tịch Hội Nông dân xã được 5 năm, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2022 đến nay. Đồng chí Tuyền được phân công lãnh đạo, quản lý, theo dõi lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… vốn là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội nên thường xuyên phải bám nắm cơ sở, sâu sát đến từng hộ dân, không ngừng trau dồi, tích lũy từ cấp trên, đồng nghiệp và thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ việc quan tâm rèn luyện, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được cống hiến, phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng cán bộ, giúp cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.