Bà Ma Thị Hiện, thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình bà bị ngập úng, đổ gãy gần hết. Vụ này coi như mất trắng rồi. Lũ cuốn đi lớp đất màu mỡ trên ruộng để lại một lớp đất bạc màu, cứng chắc. Mưa lũ không chỉ cuốn trôi đất mà còn vùi lấp ruộng bằng một lớp đất cát dày. Giờ muốn cày trồng ngô, mía lại thì phải mất rất nhiều công sức và chi phí. Hiện gia đình đang huy động nhân lực để cải tạo 3 sào đất, chuẩn bị cho sản xuất vụ đông.
Diện tích vườn trồng mía của gia đình bà Ma Thị Hiện (ngoài cùng bên trái), thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) bị vùi lấp lớp cát, đất dày.
Theo đồng chí Ma Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú, trên địa bàn xã có hơn 10 ha đất bị sạt lở, bóc màu, bồi lấp do ảnh hưởng lũ, chủ yếu ở những khu vực ven sông, suối. Hiện tại, xã vận động người dân cải tạo, khôi phục sản xuất; tập trung dọn dẹp bề mặt, san gạt tạo mặt bằng canh tác; đối với diện tích đất bị vùi lấp sâu, tiến hành cày sâu để đảo lộn tầng sét, cát mịn và hữu cơ; khử độc và cải tạo đất bằng vôi bột, phân chuồng hoặc phân vật liệu hữu cơ đã hoai mục.
Xã cũng tuyên truyền người dân, trồng các cây ngắn ngày, sinh trưởng khỏe và lượng sinh khối cao như ngô, đậu tương để ổn định dần tầng canh tác. Đối với những khu vực sạt lở nghiêm trọng, xã kiến nghị huyện, tỉnh triển khai làm kè chống sạt lở. Xã đã phân bổ các giống cây trồng, phân bón và các vật tư nông nghiệp khác cho người dân. Đồng thời, huy động bà con nạo vét kênh mương để khôi phục hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
Xã Xuân Vân (Yên Sơn) nằm ở ven sông Gâm. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước sông chảy rất mạnh, đất cát từ thượng nguồn đổ về khiến cho trên 70 ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp với độ dày bình quân từ 20 – 30 cm. Đặc biệt, vùng trồng bưởi có trên 50 ha đất bị cát bồi lấp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thường, ở thôn Soi Đát có hơn 2 ha đất trồng bưởi. Ông Thường cho biết, sau các đợt lũ lụt, độ dày đất, cát bồi lấp trên các vườn cây khoảng hơn 20 cm. Gia đình đã tiến hành cày đất, phá váng, khử trùng môi trường và sâu bệnh. Tuy nhiên, với sức người có hạn, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cải tạo đất. Do đó, chúng tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ thêm về máy móc, nhân lực để kịp thời cải tạo vườn bưởi, phục hồi lại sản xuất.
Không chỉ tại xã Tri Phú, Xuân Vân, sau các trận lũ lụt vừa qua, hiện tượng đất cát bồi lấp diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các cánh đồng của tỉnh. Tổng diện tích bị cát bồi lấp toàn tỉnh khoảng trên 200 ha, tập trung nặng nhất ở các xã ven sông, suối… Bề dày cát bồi lấp bình quân từ 20 – 30 cm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thường, ở thôn Soi Đát, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cải tạo đất cho vườn bưởi.
Để khắc phục hậu quả của lũ và khôi phục sản xuất nông nghiệp, các địa phương, ngành chức năng và người dân đang tập trung rà soát, đánh giá toàn diện thiệt hại về đất đai, cây trồng, vật nuôi để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau lũ bão, Ngành Nông nghiệp đã ban hành văn bản hướng dẫn địa phương, Nhân dân về việc quản lý việc cấp hỗ trợ giống cây trồng và tổ chức sản xuất sau bão số 3. Trong đó, đối với diện tích đất bị bồi lấp, khẩn trương thu dọn sạch đất, đá, rác và tàn dư cây trồng trên ruộng vườn, rạch rãnh để đất nhanh khô (nếu đất trống nên cày lật để phơi đất). Dùng vôi bột với liều lượng từ 600 – 700 kg/ha (20 – 25 kg/sào) rắc đều trên mặt đất trước khi cày, phay đất để diệt trừ mầm bệnh và tăng độ pH đất. Khi gieo trồng bón tăng thêm từ 30 – 50% lượng phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh) so với quy trình chăm sóc thông thường để cải tạo, phục hồi đất.
Cùng với đó, Ngành Nông nghiệp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân bị ảnh hưởng; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như làm đất tơi xốp, bón phân hữu cơ, trồng cây che phủ đất để cải thiện chất lượng đất. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Tuyên Quang đã mang lại những kết quả bước đầu. Nhiều diện tích đất đã được dọn dẹp, san phẳng. Các giống cây trồng, vật nuôi được cung cấp kịp thời, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/phuc-hoi-dat-nong-nghiep-sau-lu-199789.html