Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 13-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến thảo luận.
Tham gia phát biểu thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đồng tình đối với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Xã hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy đến năm 2030.
Để Chương trình triển khai có hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm khắc phục những hạn chế bất cập và các bài học kinh nghiệm của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay và Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy các giai đoạn trước đây. Đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên, cấp bách cần thực hiện trước. Bên cạnh đó, chú trọng công tác dự báo, đánh giá kỹ lưỡng, có tính khả thi và bền vững của các mục tiêu phòng chống ma túy. Trong tổ chức thực hiện, cần phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả của từng cơ quan, đơn vị.
Đối với các dự án cụ thể của Chương trình, đặc biệt là dự án 05 về nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy (dự án do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, dự án có tổng vốn trên 11 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 51% tổng số vốn của Chương trình), đại biểu kiến nghị, đề xuất một số vấn đề:
Thứ nhất, có 2 biện pháp cai nghiện ma túy được quy định tại Luật Phòng chống ma túy đó là cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng và cai nghiện ma túy bắt buột. Tuy nhiên, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn mờ nhạt, chỉ mới đề cập đến việc bố trí các nâng cấp sữa chữa bổ sung trang thiết bị cho 200 đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, 70% các tỉnh tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa rõ về mục tiêu và giải pháp.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thực hiện kể từ khi Luật Phòng chống ma túy, kết quả này đang thể hiện ở mức thấp năm 2023 chỉ có 27 địa phương đã tổ chức cai nghiện cho 4.275 người (chiếm 2,5% trong tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý) và đến nay cả nước chỉ có 36 tỉnh, chiếm 57,1% số tỉnh đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Theo Báo cáo số 2680 của Bộ Công an, hiện chỉ có 51 tỉnh, trong đó có 90 huyện và 208 xã có điểm cai nghiện cộng đồng, do đó cần quan tâm bổ sung mục tiêu nội dung của biện pháp cai nghiện này và có giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả ở dự án này, nhất là sớm tháo gỡ những bất cập về công tác cai nghiện tự nguyện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiện nay.
Thứ hai, về tên gọi của dự án là Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Dự án có đề cập đến lao động trị liệu tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đây cũng là một trong các bước của quy trình cai nghiện theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Nhưng công tác quản lý sau cai nghiện thật sự chưa rõ, chưa thấy vai trò chủ lực của cơ quan nào thực hiện ở tuyến cơ sở.
Theo báo cáo của các cơ quan có liên quan, hiện chỉ có 17.586 người quản lý sau cai nghiện trong tổng số trên 42 nghìn người được tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 51,36% người được hỗ trợ tìm việc làm. Để nâng cao hiệu quả sau cai nghiện theo đúng tên gọi của dự án, đại biểu đề nghị bổ sung chỉ tiêu về quản lý tư vấn, gặp gỡ tuyên truyền giới thiệu việc làm…cho người sau cai nghiện, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghiện.
Thứ ba, về đầu tư cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện ma túy: Mục tiêu “phấn đấu 100% cơ sở cai nghiện công lập đảm bảo về cơ sở vật chất trang thiết bị theo quy định của Luật phòng chống ma túy”, nguồn lực được bố trí xây mới 3 cơ sở, hỗ trợ nâng cấp, sữa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 24 tỉnh; và một số địa phương còn khó khăn về ngân sách, qua đó cho thấy dự án chưa xác định rõ số lượng và thực trạng về cơ sở vật chất nên sẽ khó khăn trong bố trí nguồn vốn. Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cần đặc biệt quan tâm, rà soát đánh giá đúng thực trạng tình hình và có kế hoạch bố trí nguồn lực phù hợp, tránh đầu tư dàn trải không phát huy hiệu quả mà dự án mang lại.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương khoảng 20% là còn quá cao, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn về kinh tế-xã hội vùng miền núi dân tộc thiểu số. Trong khi 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương mới khoảng 5%. Để việc thực hiện Chương trình mang tính khả thi hơn, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bố trí nguồn lực phù hợp, nhất là đối với các tỉnh khu vực miền núi, dân tộc thiểu số còn khó khăn rất nhiều về ngân sách.
Theo Báo Tuyên Quang
Nguồn: http://tuyenquang.gov.vn/vi/post/pho-truong-doan-dbqh-chuyen-trach-tinh-ma-thi-thuy-can-co-giai-phap-han-che-thap-nhat-tinh-trang-tai-nghien-ma-tuy?type=NEWS&id=131187