Thời gian qua, tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu về lĩnh vực công nghiệp năm sau cao hơn năm trước, duy trì và phát huy một số ngành công nghiệp có lợi thế, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động. Hoạt động xúc tiến đầu tư được coi trọng, công tác thu hút, tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, nghiên cứu khảo sát, triển khai thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh được quan tâm; bước đầu, đã thu hút được một số dự án của ngành công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao đầu tư vào tỉnh. Thời gian qua, tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu về lĩnh vực công nghiệp năm sau cao hơn năm trước, duy trì và phát huy một số ngành công nghiệp có lợi thế, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động. Hoạt động xúc tiến đầu tư được coi trọng, công tác thu hút, tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, nghiên cứu khảo sát, triển khai thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh được quan tâm; bước đầu, đã thu hút được một số dự án của ngành công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao đầu tư vào tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt và vượt kế hoạch
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Năm 2021: Đạt 15.156 tỷ đồng, tăng 17,9% so với thực hiện năm 2020 (Mục tiêu Nghị quyết là 10,2%); Năm 2022: Đạt 17.670 tỷ đồng, tăng 16,6% so với thực hiện năm 2021 (Mục tiêu Nghị quyết là 16,6%); Năm 2023: Đạt 20.450 tỷ đồng, tăng 15,7% so với thực hiện năm 2022 (Mục tiêu Nghị quyết là 14,5%).
Công nhân làm việc tại Công ty May MSA-YB ở Cụm công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang)
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) bình quân 3 năm giai đoạn 2021-2023 đạt 16,75%, (Mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 đạt trên 14%).
Cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh: Năm 2021 chiếm 19,4%; Năm 2022 chiếm 20,75 %; Năm 2023 chiếm 20,51% (Mục tiêu Kế hoạch đến năm 2025 đạt trên 24,7%).
Cơ cấu lao động ngành công nghiệp: Năm 2021 chiếm 14,95%, tương đương 54.800 người; Năm 2022 chiếm 17%, tương đương 62.606 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Năm 2021 đạt 62,5%; Năm 2022 đạt 65%; Năm 2023 đạt 67,5%, tất đều hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích 320 ha, có 21 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 7.600 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28,4 triệu USD; hiện đã thành lập 06 cụm công nghiệp, tổng diện tích 375 ha.
Công nghiệp chế biến gỗ có nhiều “điểm sáng”
Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dược liệu đi đôi với phát triển vùng nguyên liệu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu gỗ, trong đó có 05 nhà máy sản xuất gỗ tinh chế, 03 nhà máy sản xuất viên gỗ nén, 06 nhà máy sản xuất các sản phẩm khác như đũa gỗ, phong bì, bột giấy, giấy in viết, giấy đế xuất khẩu…thu hút được nhiều dự án chế biến gỗ quy mô lớn, chất lượng cao như Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, công suất 150.000m3/năm đã đi vào hoạt động; Nhà máy sản xuất Bột giấy và giấy An Hoà của Công ty cổ phần giấy An Hoà, công suất bột giấy 130.000 tấn/năm, công suất giấy tráng phấn 140.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, công suất 120.000 m3/năm (cưa xẻ, sấy gỗ), 25.000 m3/năm (sản xuất đồ gỗ nội thất). Năm 2023 đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp là 3.978,6 tỷ đồng; Quý I năm 2024 đạt 2.137,5 tỷ đồng.
Sản xuất gỗ nội thất tại Nhà máy Woodsland Tuyên Quang tại Cụm công nghiệp Thắng Quân, Yên Sơn
Công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu (có khoảng 11 doanh nghiệp, hợp tác xã) hoạt động, sản xuất chủ yếu là chế biến chè, đường, chế biến nông sản, dược liệu), đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 là 1.746,5 tỷ đồng; Quý I năm 2024 đạt 637,9 tỷ đồng.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư và hội nhập
Tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích, thông báo kết quả giải quyết qua hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; tiếp nhận 216 hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư được 72 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.165,6 tỷ đồng, bằng 62,3% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút 45.000-50.000 tỷ đồng).
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư được xây dựng tương đối toàn diện từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu ấn phẩm xúc tiến đầu tư, phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy và tạo tính liên kết cao trong việc quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang.
Đa dạng đối tác và phương pháp tiếp cận trong thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực (trong đó: có lĩnh vực công nghiệp); hỗ trợ các công ty, tập đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh để đầu tư dự án về lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thương mại, tiếp cận mở rộng thị trường và xuất khẩu lao động: Tập đoàn Sun Group triển khai nghiên cứu dự án tại khu vực huyện Na Hang, Lâm Bình; Công ty Chung Hank F&C khảo sát, nghiên cứu dự án chế biến rau củ quả xuất khẩu; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Cổ phần hàng không Vietjet; Công ty Thái Hoàng và một số doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội; Công ty KIDO Hàn Quốc tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương; Công ty JPE Engineering Corporation, Nhật Bản tìm hiểu, nghiên cứu Dự án xử lý nước thải ở thành phố Tuyên Quang…
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các tổ chức được sử dụng tên địa danh để lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 40 sản phẩm, dịch vụ; toàn tỉnh hiện có 363 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có trên 80 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trên 100 sản phẩm, dịch vụ được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; có 04 sản phẩm được cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà – Yên Sơn, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang…
Những kết quả trên cho thấy, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh