Con số ấn tượng
Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh, có thể nhận thấy trong năm 2024, nhóm hàng chè các loại, gỗ ván ép, vải bạt PP, tai nghe, bột barit… là những nhóm hàng có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, giá trị xuất khẩu tăng. Một số sản phẩm xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, gồm: sản phẩm chè các loại ước thực hiện hơn 21,4 triệu USD, vượt 14,6 triệu USD so với kế hoạch; gỗ ván ép đạt 11,2 triệu USD vượt 4,9 triệu USD so với kế hoạch; vải bạt PP đạt 7,6 triệu USD vượt kế hoạch 4,3 triệu USD; tai nghe đạt 9,8 triệu USD vượt kế hoạch 4 triệu USD… Trong đó, một số đơn vị có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty TNHH HITARP Việt Nam, Công ty TNHH Future of Sound Vina…
Sản xuất vải bạt PP của Công ty TNHH HITARP Việt Nam, cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Mặc dù gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình chính trị ở các nước trên thế giới diễn ra phức tạp, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chè vẫn tạo được sự ổn định, phát triển sản xuất và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, Công ty cổ phần Chè Sông Lô được coi là “lá cờ đầu” với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Trong năm 2024 công ty xuất khẩu được hơn 4.700 tấn chè xanh và chè đen các loại. Giá trị xuất khẩu ước đạt gần 8 triệu USD, vượt hơn 70% so với kế hoạch. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô (TP Tuyên Quang) cho biết: Để đạt được thành quả như vậy, công ty duy trì khách hàng cũ truyền thống như các nước Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan và các nước Nga, Hà Lan đồng thời tìm kiếm các thị trường mới ở khối các nước ASEAN, Đài Loan. Hiện nay công ty đã được cấp mã số vùng trồng, điều này giúp cho việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường mới được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đồng thời công ty cũng đang tích cực đầu tư cải tiến trang thiết bị sản xuất, mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm, đây cũng là điều kiện, tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và kỳ vọng ở năm 2025 sẽ còn đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn nữa.
Sự nỗ lực của các cấp, các ngành
Theo đánh giá của ngành Công thương, kim ngạch xuất khẩu 170 triệu USD trong năm 2024 của tỉnh so với nhiều địa phương khác còn rất “khiêm tốn”. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, quy mô kinh tế của địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thì kết quả đó đã là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong tỉnh. Hơn nữa, ngoài những ngành hàng giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động như may mặc, giày dép, tỉnh cũng chú trọng đến những ngành hàng xuất khẩu truyền thống mang lại giá trị gia tăng cao, gắn với vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là lao động ở vùng nông thôn, như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm chế biến xuất khẩu. Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Cụm Công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) thu hút các nhà đầu tư, góp phần tăng tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh.
Ông Khổng Mạnh Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết: Tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp; giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn tìm kiếm đơn hàng… đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu tăng đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Ước thực hiện đến ngày 31-12 số thu thuế lũy kế từ đầu năm đạt khoảng 48 tỷ VND. Có được kết quả này, Chi cục Hải quan Tuyên Quang đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nổi bật là đơn vị đã áp dụng tốt công nghệ thông tin vào trong quá trình khai quan, hiện đại hóa ngành hải quan. Toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp được truyền qua mạng đến chi cục, sau đó cán bộ hải quan trực tiếp kiểm soát, hướng dẫn bổ sung và thông báo ngay cho doanh nghiệp chỉnh sửa.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Sở kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách mới tới các doanh nghiệp; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, nguồn lao động. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa và xúc tiến xuất khẩu ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/nhieu-mat-hang-xuat-khau-can-dich-203240.html