Đại sứ Yamada Takio và phu nhân cùng Nhóm tư vấn bom mìn (MAG) Việt Nam trong lễ ký hợp đồng viện trợ tại Hà Nội.
Các dự án được Nhật Bản viện trợ không hoàn lại có tổng giá trị 900 nghìn USD, thuộc nhiều lĩnh vực như: rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình; mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị; xây dựng phòng học cho Trường Tiểu học Nghi Kiều 2, xã Nghi Kiều, tỉnh Nghệ An; xây dựng phòng học cho điểm trường Phú Túc của Trường Mầm non Hòa Phú, thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, còn cung cấp trang thiết bị đào tạo nuôi trồng thủy sản cho Trường Cao đẳng Công nghệ-Kinh tế và Thủy sản Hải Phòng; cung cấp thiết bị đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình; xây dựng khu bán trú cho Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Đá Đỏ, tỉnh Sơn La và viện trợ không hoàn lại khuôn khổ dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) năm tài khóa 2023 cho dự án nâng cao năng lực khám, tập huấn, xét nghiệm cho cán bộ y tế dự phòng đối với dự phòng truyền nhiễm bệnh qua đường tình dục tại các khu vực lân cận thành phố Hà Nội.
Chia sẻ tại lễ ký, ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản nổi bật qua những dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn như: Cầu Nhật Tân, Ga quốc tế sân bay Nội Bài,… Những dự án hạ tầng đóng vai trò quan trọng trên phương diện phát triển kinh tế xã hội và hợp tác hoàn thiện môi trường đầu tư.
Không những thế, hai nước Nhật Bản-Việt Nam còn có nhiều chương trình hợp tác, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách như nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ sở vật chất y tế tại địa phương, bảo đảm nguồn nước sạch an toàn cho sinh hoạt…
Đoàn Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và phu nhân.
Thay mặt bên nhận viện trợ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình Dương Văn Cường bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ, nhân dân Nhật Bản đã giúp cho các em học sinh của nhà trường đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có điều kiện kinh tế khó khăn học nghề tại Trường, được học Chương trình đào tạo mới với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản; giúp cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường có tình yêu nghề, yêu nông nghiệp, có kiến thức, kỹ năng tự tin tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Ông Dương Văn Cường cũng cam kết sẽ thực hiện đúng nội dung đã được phê duyệt, đồng thời mong muốn sau dự án được ký kết lần này, Chính phủ Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là nhóm nghề phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam để góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA. Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (Grant Asistance for Grassroots Human Security Projects) từ năm 1989, và lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1992, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nước phát triển.
Trong giai đoạn 1992-2023, Nhật Bản đã thực hiện tổng cộng 739 dự án tại Việt Nam, với tổng giá trị tương đương 66 triệu USD.