Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồng cho biết: Nhận thấy địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào từ rừng, do đó năm 2014, ông đã quyết định mua đất để mở xưởng sản xuất gỗ bóc với quy mô 10.000m2 tại xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh. Đến năm 2015, do hiệu quả từ xưởng gỗ bóc mang lại nên gia đình ông đã mua thêm 7.000m2 đất để mở rộng quy mô làm ván ép.
Cùng với đó, từ những năm 90 đến nay, ông là người tiên phong trong việc trồng rừng tại địa phương. Từ đó đến nay, gia đình ông luôn duy trì diện tích 17ha rừng trồng, trước đây nếu bán gỗ, với diện tích rừng đó, cứ sau 8 năm sẽ mang về cho gia đình ông thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. Nhưng từ khi xây dựng nhà xưởng, toàn bộ diện tích rừng đó được sử dụng để cung cấp nguyên liệu cho xưởng gỗ bóc của gia đình ông.
Ngoài ra, để đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, ông Hồng còn mua thêm cả gỗ và ván từ các tỉnh miền núi như Tuyên Quang, Bắc Kạn và khu vực huyện Đồng Hỷ.
Năm 2021, gia đình ông Hồng đã chính thức thành lập doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản. Đến thời điểm này, một số sản phẩm từ gỗ ép của công ty ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Ngoài ra, ông Hồng còn có dự định sẽ đầu tư thêm máy máy móc cũng như mua thêm đất để mở rộng sản xuất, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm gỗ công nghiệp đạt chuẩn để xuất khẩu sang nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện nay, xưởng gỗ bóc của gia đình ông Hồng đang tạo việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7,5 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, ông Hồng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Suốt 37 năm, ông làm Trưởng xóm và là Đại biểu HĐND xã Tân Khánh nhiều năm với những đóng góp tích cực.
Điển hình như trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Hồng là một trong những người có công đóng góp rất lớn. Không chỉ tham gia đóng góp sức người, sức của cùng với địa phương thực hiện phong trào mà ông còn tuyên truyền vận động bà con tham gia hiến đất làm đường để có con đường bê tông rộng và đẹp dẫn vào tận những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Với những đóng góp của mình, ông Hồng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, ngành liên quan và nhiều năm nay được bầu là người uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, ông Hồng vinh dự là một trong những đại biểu đại diện của tỉnh Thái Nguyên tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 tại Hà Nội và nhận được bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.
Ông Nguyễn Anh Võ – Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Gia đình ông Hồng là một trong những hộ gia đình có tư duy phát triển kinh tế rừng từ rất sớm. Nhận thức được hiệu quả kinh tế từ rừng, gia đình ông Hồng đã đầu tư máy móc để mở xưởng sản xuất gỗ bóc và ván ép.
Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Do đó địa phương cũng có định hướng tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế theo hướng này nhằm nhân rộng nhiều mô hình kinh tế tương tự.