Ngày 22/12, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, vừa qua, các bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc.
Theo đó, bệnh nhân T.V.T (62 tuổi, ở Yên Sơn, Tuyên Quang) có tiền sử đặt 2 stent động mạch vành và dùng thuốc uống theo đơn ngoại trú, phẫu thuật thủng dạ dày cách đây 40 năm, không có tiền sử bệnh lý gan.
Khai thác tiền sử được biết, ông T được người dân trong xóm giới thiệu tác dụng của một số loại lá cây nên đã tự đi lấy, nấu thành cao và ngâm rượu.
Một tháng trước khi nhập viện, mỗi ngày ông T đều sử dụng khoảng 500ml rượu tự ngâm từ cao lá. Sau thời gian sử dụng, ông T thấy trong người mệt mỏi, mức độ ngày càng tăng dần, vàng mắt và da.
Sau một tuần điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở địa phương, thấy tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình lập tức chuyển ông T xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Tại đây, bệnh nhân ý thức suy giảm, lơ mơ; da niêm mạc, củng mạc mắt vàng đậm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao (SGOT/SGPT – 4438/4705UI/l; GGT – 271,1U/l; Bilirubine TP/TT – 268,4/152,7µmol/l; Protein/Albumin: 70/37 g/l; Amoniac 79,9 µmol/l); HbsAg và HCV Ab miễn dịch tự động đều âm tính.
Ông được nhận định suy gan cấp, chỉ định theo dõi do viêm gan nhiễm độc. Các bác sĩ đã tiến hành lọc thay huyết tương, điều trị hồi sức tích cực nâng đỡ gan, chống phù não kết hợp các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp và dinh dưỡng.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, ăn uống tốt, ngủ ngon, da không còn vàng, các chỉ số xét nghiệm đã trở về gần giới hạn bình thường. Bệnh nhân đã được xuất viện.
BSCKII. Lê Duy Đạo – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Trước đây, không có cách điều trị đặc hiệu nào cho bệnh suy gan cấp, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp hồi sức cơ bản cho người bệnh như hồi sức tuần hoàn; điều trị chống phù não, rối loạn đông máu và các biến chứng trong khi chờ đợi tế bào gan phục hồi hoặc chờ phẫu thuật ghép gan; dự phòng chống chảy máu đường tiêu hóa…
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế, từ năm 2009 liệu pháp thay huyết tương đã được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện. Đến nay, liệu pháp này đã và đang là liệu pháp tích cực trong điều trị suy gan cấp, giúp loại bỏ các chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa, nâng đỡ gan trong lúc chờ đợi hồi phục chức năng gan.
Từ trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tự ý điều chế và sử dụng các loại lá cây được cho là thuốc nam khi chưa có sự hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.