Chắp cánh cho sản phẩm địa phương
Năm 2007, cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2015, cam sành Hàm Yên công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam. Từ đó đến nay, sản phẩm cam Hàm Yên đã trở thành cây ăn quả liên tục đạt top trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
“Chắp cánh” cho nhãn hiệu, nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, khuyến khích người trồng cam đầu tư, chăm sóc theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam. Hiện toàn huyện có trên 800 ha cam VietGAP, 16 ha sản xuất cam hữu cơ.
Trải nghiệm tại vườn cam của ông Đặng Văn Thành, thôn Cây Cóc, xã Tân Thành (Hàm Yên) mới thấy rõ sự thay đổi của sản xuất hữu cơ. Toàn bộ quy trình chăm sóc được tuân thủ chặt chẽ, cây cam được chăm sóc theo chế độ đặc biệt với đạm cá, bón phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ sức khỏe người làm vườn, người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang được tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu khẳng định vị thế trên thị trường.
Chăm sóc ở chế độ cao, sản phẩm cam sành hữu cơ vượt trội về chất lượng, vị thơm ngon, ngọt đậm. Giá bán cam luôn đạt bình quân 28.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với giá cam canh tác thông thường. Hiện cam hữu cơ Hàm Yên đang được chuỗi sản phẩm sạch Bác Tôm, Ba Lành… bao tiêu.
Với chất lượng vượt trội, giá trị kinh tế ổn định, năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn) có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn và trà xanh Ngọc Thúy; 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chè xanh Phú Lâm, chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn. Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm Trà Ngọc Thúy cấp đông của HTX được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Tuyên Quang có sản phẩm được bình chọn, đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX chia sẻ, đạt sao OCOP là điểm tựa để HTX nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm thị trường và nâng tầm thương hiệu. Sau khi được chứng nhận OCOP, cơ hội tiếp cận thị trường cũng lớn hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn; giá trị được nâng lên khoảng 10% so với trước đây. Tuy nhiên, OCOP sẽ không phát huy tác dụng nếu bản thân mỗi chủ thể không năng động và làm mới các sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu thị trường. Do vậy, ngoài việc đưa những sản phẩm lợi thế của HTX, anh tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm riêng biệt.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp, gần 500 hợp tác xã đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi đơn vị sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Nhưng tất cả các doanh nghiệp luôn hướng tới 3 giá trị cốt lõi là “Chất lượng – Đổi mới – Sáng tạo”.
Vườn cam hữu cơ của ông Đặng Văn Thành, thôn Cây Cóc, xã Tân Thành (Hàm Yên) được chuỗi sản phẩm sạch Bác Tôm, Ba Lành… bao tiêu.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm; cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025…
Hướng tới Thương hiệu quốc gia
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 307 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 70 sản phẩm nhãn hiệu tập thể; 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang. Hầu hết các nhãn hiệu tập thể đều được các thành viên khai thác, phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Đặc biệt, tháng 11-2022, sản phẩm bột giấy và giấy thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây không chỉ là vinh dự của doanh nghiệp mà còn khẳng định được giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, thương hiệu của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng trong khu vực miền núi phía Bắc. Theo lãnh đạo Sở Công thương, năm 2024, đơn vị tiếp tục rà soát và hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn, đăng ký bình chọn và phấn đấu có thêm ít nhất 1 sản phẩm nữa được chứng nhận đạt sản phẩm Thương hiệu quốc gia.
Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ… Thương hiệu đã trở thành một trong những tài sản có giá trị của doanh nghiệp, HTX góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp, HTX. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản đăng ký nhãn hiệu đã tạo dựng được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh như trâu ngố Tuyên Quang, cam sành Hàm Yên, mật ong Tuyên Quang, bưởi Xuân Vân, chè Shan tuyết Na Hang, cá đặc sản, gỗ rừng trồng…
Thương hiệu mang đến giá trị vô hình nhưng là một trong những thành tố chiếm giá trị cao nhất. Do đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu, ngoài nỗ lực của tỉnh, ngành rất cần sự chung tay của người dân và các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, người dân phải sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, đảm bảo tính bền vững của thương hiệu.