Kênh tiếp cận vốn an toàn
Tài chính tiêu dùng là một kênh dẫn vốn quy mô nhỏ, nhưng đã và đang ngày càng chứng tỏ vai trò và thể hiện những đóng góp đáng kể trong việc lấp đầy khoảng trống trên thị trường, đa dạng hóa dịch vụ tài chính và đáp ứng rộng rãi nhu cầu người dân.
VietinBank tuyên Quang triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng giúp khách hàng cá nhân tiếp cận vốn an toàn.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ kích cầu sản xuất và là động lực quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng bắt đầu phục hồi thì việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích thích sản xuất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, việc mở rộng tín dụng cho vay tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được “tín dụng đen”.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất rẻ giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách an toàn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, hết quý I năm 2024 lãi suất cho vay ngắn hạn các đối tượng ưu tiên là 4,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh chỉ từ 6,3% – 11%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh chỉ từ 9,0% – 12%/năm. So với đầu năm 2024 lãi suất cho vay giảm từ 0,5 – 0,7%/năm.
Đa dạng sản phẩm, dịch vụ
Với chiến lược kinh doanh linh hoạt và nhạy bén, luôn lấy khách hàng làm trung tâm, chi nhánh BIDV Tuyên Quang hiện đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ như cho vay mua đất, nhà, ô-tô, xây và sửa chữa nhà, mua sắm nội thất, kinh doanh, tiêu dùng… Các chương trình cho vay khách hàng cá nhân có lãi suất cạnh tranh so với các ngân hàng khác từ 0,5% – 1%/năm.
Khách hàng cá nhân giao dịch tại quầy của BIDV Tuyên Quang.
Là một chi nhánh ngân hàng nhỏ, mới đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, HDBank Tuyên Quang xác định tập trung phát triển theo mô hình ngân hàng bán lẻ ở các thị trường đô thị và nông thôn. Hiện, HDBank đang đẩy mạnh các sản phẩm cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay mua nhà đất, cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 5%/năm, tỷ lệ vay mua bất động sản tới 70% giá trị tài sản, thời hạn vay lên tới 35 năm…
Agribank tỉnh tập trung cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và các dịch vụ đối với người dân, trong đó cơ cấu tín dụng của Agribank, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng hơn 30% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Đối tượng mà chi nhánh hướng tới là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương ngân sách, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống ở khu vực đô thị và nông thôn.
Thay vì “chạy” theo doanh nghiệp với gói cho vay cả chục tỷ đồng, nhiều ngân hàng đang hướng mục tiêu vào khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi, thậm chí cho vay tiêu dùng không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh, chỉ dựa vào mức thu nhập hằng tháng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng cởi mở hơn đối với sản phẩm cho vay thấu chi qua thẻ. Không ít ngân hàng thương mại triển khai cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với thấu chi tài khoản tín chấp và 300 triệu đồng đối với thấu chi có tài khoản bảo đảm, thậm chí lên đến 500 triệu đồng hoặc cao hơn đối với khách hàng VIP.
Kết thúc quý I, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 29.844 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3.148 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng thương mại đạt 25.552 tỷ đồng, còn lại là dư nợ tín dụng chính sách. Để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn.