Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành đã đề ra phương châm “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, chú trọng đổi mới cách tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” thông qua công cụ pháp luật, tập trung tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của ngành, công tác văn hóa, thể thao và du lịch trong nửa nhiệm kỳ 2021-2025 đã đạt được những kết quả bước đầu khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, có thể nhận thấy sự thay đổi rất lớn về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa, gia đình, con người, thể thao, du lịch trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương được lượng hóa đầy đủ, toàn diện, được kiểm tra, giám sát nhằm từng bước thấm sâu vào từng cấp, từng ngành, từng người dân và cộng đồng doanh nghiệp để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, đứng ngang với kinh tế, chính trị.
Bám sát 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh truyền thông chính sách nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với việc chấn hưng và phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án và phát động cuộc thi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất, thu hút 1.079 tác phẩm báo chí tham dự. Thông qua công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức về sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Thứ hai, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chú trọng, thực hiện chủ động, bài bản và có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua: 2 dự án Luật, phối hợp trình 1 dự án Luật; 11 Nghị định của Chính phủ; 1 Nghị quyết chuyên đề về du lịch; 12 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 48 Thông tư. Việc xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã góp phần rất quan trọng để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Thứ ba, môi trường văn hóa phát triển theo hướng đi vào thực chất và chiều sâu hơn đã tạo diện mạo mới cho đời sống văn hóa ở cơ sở, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Phát triển văn hóa ở Việt Nam vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau khi phát động xây dựng môi trường văn hóa năm 2021 bước đầu đã xuất hiện nhiều mô hình xây dựng văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng như: Mô hình xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào thực chất, từng bước khắc phục tính hình thức trong triển khai thực hiện.
Từ những kết quả đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai hoàn thiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, từ đó làm sáng tỏ các thành tố, nội hàm các hệ giá trị. Nhiều địa phương đã triển khai xây dựng các hệ giá trị có tính tiêu biểu của con người, văn hóa, vùng đất để nhân dân tự hào, tự giác thực hiện.
Thứ tư, nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông. Nhiều chủ trương lớn ngành tham mưu, được Chính phủ thông qua, như: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.
Nguồn lực đầu tư cho văn hóa ở bình diện quốc gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 tỷ đồng để 17 tỉnh/thành phố triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Đầu tư cho văn hóa ở các địa phương trong năm 2022 đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Thứ năm, các hoạt động văn hóa đối ngoại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đa dạng, linh hoạt, đặc sắc. Triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, đề cao vai trò người dân là “Đại sứ văn hóa” với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Việc tổ chức Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ ngoại giao đi vào chiều sâu và thực chất. Tổ chức tốt các chương trình văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, trong hai năm 2022 và 2023, hơn 15 thỏa thuận quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch đã được lãnh đạo Bộ ký kết với đối tác nước ngoài dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao, tạo khuôn khổ pháp lý để triển khai hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thể hiện vai trò ngày càng lớn của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong hoạt động ngoại giao của đất nước.
Thứ sáu, thể thao Việt Nam tiếp tục thiết lập các dấu ấn lịch sử. Tổ chức thành công SEA Games 31 tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã góp phần quảng bá hình ảnh về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển; truyền tải thông điệp của khu vực: Vì một ASEAN mạnh mẽ hơn.
Tại SEA Games 32, các vận động viên đã miệt mài vượt khó khổ luyện, thi đấu kiên cường để tỏa sáng, mang vinh quang về cho đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, Đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài; đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023… Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm công tác của Chính phủ, trên bình diện chung của cả nước, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đã được nhắc đến như một dấu ấn. Đó là những đánh giá toàn diện, sâu sắc mà Đảng, Nhà nước đã dành cho thể thao Việt Nam.
Thứ bảy, du lịch Việt Nam từng bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các chính sách liên quan đến thị thực, visa được bổ sung, sửa đổi tạo đà để du lịch phát triển. Du lịch nội địa được xác định là bệ đỡ, du lịch quốc tế là nhiệm vụ cần tập trung khai thác. Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên tinh thần nghiêm túc cầu thị, không vì thế mà chủ quan, tự mãn và bằng lòng với hiện tại, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước của ngành xác định cần thực hiện các mục tiêu tổng thể, xuyên suốt, cụ thể như sau:
Một là, bám sát các chỉ tiêu về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76/KL-TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Chủ động tập trung rà soát, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực hoạt động của ngành, để thực sự trở thành bệ đỡ, khung pháp lý, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực cho văn hóa, giúp văn hóa phát triển lành mạnh, hài hòa, bền vững, đáp ứng các mục tiêu cân bằng và tổng thể về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường. Trọng tâm chính là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sớm phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương làm tốt, làm sâu hơn nữa với hệ thống giải pháp để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vị trí, vai trò rường cột của văn hóa đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Chú trọng công tác truyền thông chính sách, tập trung vào các chính sách mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, với tinh thần “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, để truyền thống văn hóa, nét đẹp-lối sống-ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ, văn hóa công sở được lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội.
Ba là, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, chính vì vậy, một trong những vấn đề mà ngành đặc biệt quan tâm thời điểm này là tập trung phối hợp các ban Đảng Trung ương sớm trình Ban Bí thư xem xét, sửa đổi Quy định 284/QĐ-TW về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật để có cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy cán bộ; nâng cao chất lượng đào tạo của 28 cơ sở đào tạo của ngành, đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội và cho ngành văn hóa.
Ngành văn hóa cần tập trung xây dựng và hiện thực hóa các giá trị, tiêu chí xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới gắn với quá trình xây dựng và hoàn thiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, sớm đưa các hệ giá trị vào cuộc sống, tạo nên những đột phá mới trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, trí tuệ người Việt Nam theo năm đức tính đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) xác định; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tham mưu trình Chính phủ các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy năng lực sáng tạo, sản xuất, phân phối và hưởng thụ sản phẩm văn hóa, đồng thời xây dựng hạ tầng thông tin để đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế.
Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến toàn bộ đời sống của xã hội. Ngành văn hóa rất cần sự chung tay, góp sức của toàn dân, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để văn hóa thực hiện được sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã căn dặn.