Giám sát từ thực tiễn cuộc sống
Năm 2023, thông qua hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới tại các xã đạt chuẩn, vấn đề nổi cộm được Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ ra đó là một số xã đã công nhận về đích nông thôn mới, nhưng khi đối chiếu với các tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 thì ở một số xã có tiêu chí chưa đạt. Cùng với đó, vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn và thực hiện tiêu chí môi trường còn khó khăn…
Vấn đề chỉ ra của Ủy ban MTTQ là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh. Những nguyên nhân khách quan, chủ quan được các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục chỉ ra. Cùng với đó là giải pháp của ngành nông nghiệp cũng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới.
MTTQ xã Thiện Kế (Sơn Dương) tổ chức giám sát công tác quản lý sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; công tác quản lý, tu sửa, nạo vét, xây dựng các công trình thủy lợi đối với Ban quản lý công trình thủy lợi xã.
Hoạt động giám sát đã trở thành việc làm quan trọng, thường xuyên hằng năm của MTTQ các cấp. Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì tổ chức giám sát với 924 cuộc; trong đó, cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 65 cuộc, cấp xã 846 cuộc (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và tăng 11 cuộc so với nhiệm kỳ 2014 – 2019).
Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để các cuộc giám sát được triển khai hiệu quả, ngay từ đầu năm MTTQ các cấp trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch giám sát và được cấp ủy cùng cấp cho ý kiến thông qua. Nội dung giám sát được MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung vào cơ chế, chính sách, các chủ trương, đường lối, chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh có tác động đến đời sống nhân dân như: các chính sách đối với người có công với cách mạng; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc thu, chi quản lý các quỹ do phụ huynh đóng góp; làm đường giao thông nông thôn… Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp nhân dân.
Cùng với việc giám sát các lĩnh vực kinh tế – xã hội, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chú trọng triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư. Từ đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Từ năm 2019 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì và phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy giám sát 37 cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt tại 37 cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Trần Hồng Lương, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Tuyên Quang chia sẻ, qua giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh, giúp bản thân nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định, phát huy tinh thần gương mẫu, đồng thời vận động gia đình, người thân và nhân dân cùng thực hiện nghiêm chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khu dân cư đoàn kết, văn minh.
Nâng “chất” phản biện xã hội
MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản của HĐND, UBND cùng cấp mà nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị phản biện với các dự thảo nghị quyết, đề án của tỉnh.
Đơn cử như đối với Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” đại diện các tầng lớp nhân dân đã đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ rõ lợi thế, thế mạnh của tỉnh, trong đó có so sánh với các địa phương khác. Đồng thời làm rõ các mục tiêu để nâng giá trị lâm sản/đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người trồng rừng. Cùng với đó, các mục tiêu trong Đề án cần bám sát các Nghị quyết, Đề án của tỉnh đã ban hành, từ thực tiễn, chuỗi, khâu trong sản xuất chế biến và tiêu thụ để xác định các chỉ tiêu cụ thể phù hợp, nhất là chỉ tiêu về sản phẩm ngoài gỗ. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh Đề án phù hợp với thực tiễn.
Tháng 6 – 2024, Ủy ban MTTQ xã Phù Lưu (Hàm Yên) tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Kế hoạch xây dựng Làng văn hóa các dân tộc thôn Pác Cáp gắn với phát triển du lịch của xã. Hội nghị thu hút rất nhiều ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân, đa số đều bày tỏ phấn khởi trước chủ trương mới của địa phương. Đại diện các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến để UBND xã hoàn thiện kế hoạch trước khi triển khai đến nhân dân như: xây dựng các tuyến đường hoa, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa, nâng cấp xây dựng sân vận động Pác Cáp, thắp sáng đường quê, xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, các điểm check – in, dịch vụ Homestay… Các nội dung đều được chính quyền xã tiếp thu và bổ sung vào kế hoạch.
Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh đã trở thành một trong những kênh quan trọng, giúp cấp ủy, chính quyền có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; làm cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đều là sản phẩm kết tinh của “ý Đảng” và “lòng Dân”.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/khang-dinh-vai-tro-vi-the-cua-mttq-qua-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-199148.html