Hang động tập trung nhiều nhất ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hang động được đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan như Động Tiên, thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên); hang Bó Kim, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang); hang Khuổi Pín, xã Khuôn Hà (Lâm Bình); hang Bó Ngoạng, Thẳm Vài, Thẳm Ngần, xã Phúc Sơn (Lâm Bình)…
Du khách tham quan hang Khuổi Pín, xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Ảnh: Cao Huy
Được mệnh danh là Phong Nha Kẻ Bàng của vùng núi rừng Tây Bắc, Động Tiên của huyện Hàm Yên được xem là địa điểm du lịch nổi tiếng được rất nhiều người biết tới. Quần thể hang động này gồm bảy hang động khác nhau đó là Động Tiên, động Đàn Đá, động Thiên Đình, động Thiên Cung, động Thạch Sanh, động Tam Cung, động Âm Phủ. Tất cả các động này xếp thành hình vòng cung tạo thành một quần thể danh lam thắng cảnh rất đặc sắc và đẹp mắt. Trong số đó, Động Tiên là hang động đẹp nhất. Hang động này thuộc ba vùng núi Châu Qùy, Bạch Mã và núi Tọa của xã Yên Phú. Nơi đây gắn liền với rất nhiều câu chuyện xưa kia. Do đó, khi tới đây tham quan, du lịch thì ngoài việc được ngắm cảnh, bạn sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh thắng cảnh động Tiên đẹp mê hồn này. Chị Trần Thị Khuyến, du khách đến từ Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, khi lên tham quan Động Tiên, chị thực sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp lộng lẫy của Động Tiên. Theo thời gian, dưới sự bào mòn của gió, của nước, các khối nhũ đá đã hóa thân thành rất nhiều các hình hài khác nhau. Chị Khuyến được chiêm ngưỡng rất nhiều hình ảnh vạn vật trần gian khi ghé thăm danh thắng độc đáo này.
Ngoài Động Tiên, huyện Hàm Yên cũng đang đưa vào khảo sát, xem xét để khai thác phục vụ phát triển du lịch như hang Cảnh Sinh, xã Minh Dân; hang Quả Na, hang Dơi, xã Yên Thuận; hang Đá Đen, xã Yên Phú.
Ngược lên huyện Na Hang, nơi đây với cảnh núi non hùng vĩ đã tạo nên cho mảnh đất này nhiều cảnh sắc để phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá mà bất kỳ một dân phượt nào cũng không thể bỏ qua. Hiện nay, huyện Na Hang đã đưa một số hang động vào tua du lịch khám phá rừng nguyên sinh để phục vụ du lịch như tua du lịch khám phá hang Bó Kim, rừng Nà Niếng, xã Thanh Tương. Tuyến đường từ chốt kiểm lâm rừng Bản Bung lên hang Bó Kim chỉ vài trăm mét, đường đi lại đã trở nên thuận lợi. Trong hang, hệ thống điện đã được lắp đặt làm cho không gian của hang trở nên huyền ảo hơn. Trong hang nhiều khối nhũ đá được hình thành khiến nhiều du khách thích thú khi lên đây. Chị Nguyễn Thị Hà, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) trong một chuyến lên du lịch, tham quan hang Bó Kim và trải nghiệm rừng Nà Niếng chia sẻ: “Tôi rất thích thú khi tham quan hang Bó Kim, không những được hít thở không khí mát lành của vùng núi cao, tôi còn như được thả hồn vào không gian, cảnh sắc huyền ảo mà hang Bó Kim mang lại”. Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết, thời gian qua, đã có rất nhiều đoàn khách tham quan lên với hang Bó Kim và trải nghiệm rừng nguyên sinh Nà Niếng. Đây là tiềm năng du lịch lớn mà xã, huyện đang chú trọng khai thác trong thời gian tới.
Du khách tham quan hang Bó Kim, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang).
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ hang động, huyện Na Hang cũng đang tiến hành khảo sát, đánh giá để đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch đối với một số hang ở xã Năng Khả, Thanh Tương, Sơn Phú. Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả chia sẻ, trên địa bàn xã hiện đã phát hiện một số hang có khối nhũ đá rất đẹp, nhiều du khách muốn được lên khám phá hang song những hang này vẫn chưa được đưa vào khai thác nên vẫn chỉ được coi là tiềm năng.
Lâm Bình – mảnh đất của huyền thoại và những sự tích cũng đã đưa nhiều hang động vào phát triển du lịch như hang Khuổi Pín, hang Nặm Thuổm, hang Giếng Trời, động Song Long, hang Bó Ngoạng, Thẳm Vài, Thẳm Ngần, xã Phúc Sơn. Ngoài ra, huyện còn phát hiện ra hàng chục hang lớn nhỏ tại các xã Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Xuân Lập, Phúc Yên, Phúc Sơn, Minh Quang có giá trị du lịch. Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Lâm Bình cho biết, trong số các hang động đã đưa vào khai thác phát triển du lịch, nhiều hang động đã có đường giao thông đi lại thuận lợi. Các hang có phong cảnh đẹp, được đánh giá an toàn đối với du khách. Khách du lịch khi trải nghiệm, khám phá hang động còn được tham quan vùng lòng hồ, được khám phá rừng nguyên sinh. Huyện sẽ khai thác tốt các hang động để đưa vào các tua du lịch trải nghiệm, đồng thời tiếp tục khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch đối với các hang động khác để đưa vào khai thác nếu đủ điều kiện.
Thực tế cho thấy, tiềm năng du lịch từ hang động ở Tuyên Quang còn khá nhiều, nếu biết khai thác tiềm năng này để tích hợp trong các tua du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả của du lịch hơn nữa.