Ổn định cuộc sống
Thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu) là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của hoàn lưu bão số 3. Hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương đang triển khai phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân ổn định lại cuộc sống.
Sau mưa bão, khoảng sân của nhà chị Phạm Thị Lan ở tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu trở thành bãi đá, tường nhà đổ sập, đất tràn vào nhà để lại cảnh tượng tan hoang. Các lực lượng của thị trấn cùng người dân trong xóm đã chung tay giúp đỡ gia đình chị dọn dẹp, vớt vát lại những gì còn sót sau cơn bão.
Chị Phạm Thị Lan chia sẻ, ngay khi biết tin bão số 3 ảnh hưởng đến địa bàn, gia đình chị đã nhanh chóng gia cố lại nhà cửa, dọn đồ kê lên cao. Cả gia đình chị cũng sơ tán đến nhà bố mẹ kiên cố hơn. Tuy nhiên, mưa bão đã làm nhà cửa của gia đình chị tan hoang, đất đá tràn vào nhà và ngập hết cả không còn gì.
Thị trấn Mộc Châu có 142 hộ dân bị nước tràn vào nhà gây ngập úng; nhiều tường rào, nhà kho bị đổ sập. Mưa bão cũng làm thiệt hại lớn về vật nuôi và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Ước tính ban đầu, tổng thiệt hại khoảng hơn 1,2 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra ngập úng, chính quyền thị trấn Mộc Châu đã huy động lực lượng dân quân và đoàn thanh niên hỗ trợ các gia đình, khắc phục hậu quả với phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Phùng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu cho biết, Đảng ủy, UBND cùng các ban, ngành, đoàn thể của thị trấn đã thành lập 4 tổ công tác xuống địa bàn nắm tình hình, cùng người dân khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra. Theo số liệu thống kê, ảnh hưởng của bão số 3, huyện Mộc Châu có 4 nhà bị đổ, 7 nhà bị tốc mái, 94 nhà bị ngập nước, 57 nhà bị sạt lở đất. Ngoài ra, mưa bão trên địa bàn huyện Mộc Châu còn làm 3 nhà lớp học và 1 nhà văn hóa bị ngập nước; 1 cột điện bị gãy đổ; làm hư hại hơn 250 ha cây nông nghiệp; 5,4 ha nhà lưới khung sắt bị hư hỏng; một số tuyến giao thông bị sạt lở…
Hiện nay, hoàn lưu bão số 3 vẫn đang tiếp tục gây mưa trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung. Việc khắc phục hậu quả và ổn định lại đời sống của nhân dân ở Sơn La vẫn còn nhiều khó khăn…
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7 đến 9/9, Sơn La đã có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 9/9, mưa bão trên địa bàn đã làm 1 người chết; 7 nhà sập đổ hoàn toàn, 260 nhà ngập nước, 62 nhà di dời khẩn cấp, 18 nhà tốc mái và nhiều hộ có nguy cơ sạt lở.
Cùng với đó, thiên tai gây thiệt hại trên 278 ha lúa, hơn 552 ha cây hàng năm, 9 ha cây ăn quả, 58 ha rau màu và hoa màu, 44 con gia súc, 220 con gia cầm, 13ha thủy sản; 8 trường học bị ảnh hưởng; 1 cầu qua suối bị xói mòn móng trụ chân cầu; 1 nhà văn hóa bị ngập lụt. Mưa bão còn gây tắc đường ở 73 vị trí trên các tuyến quốc lộc và tỉnh lộ; hiện đã thông xe tạm thời 61 vị trí, còn 12 vị trí vẫn tắc đường.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 3 còn làm sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh khoảng 140.966 m3/531 vị trí. Tính đến 7 giờ ngày 9/9, mưa bão gây sạt lở, nghiêng 12 vị trí cột điện trung thế; 30 vị trí cột hạ thế bị gẫy đổ; hỏng 6 quả chống sét 35kV, 1 máy cắt 35kV, 50m dây AC50; 458 khách hàng đang mất điện…
Ngay khi xảy ra mưa bão, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống có thể sảy ra; tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền địa phương và nhân dân, nâng cao tính chủ động trong phòng, tránh các sự cố….
Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, đêm 9 và ngày 10/9, tại Sơn La tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân
Chiều 9/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Sơn Dương – một trong những huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của tỉnh do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Từ ngày 7 – 9/9, huyện Sơn Dương có mưa to, gió lớn trên diện rộng đã trực tiếp ảnh hưởng và gây thiệt hại tại tất cả 30/30 xã, thị trấn trên địa bàn; mực nước sông Phó Đáy lên nhanh và dâng cao. Trong ngày 9/9, lũ trên sông Phó Đáy đã gây ngập úng tại các xã Trung Yên, Minh Thanh, Tú Thịnh, Bình Yên, Tân Trào, Kháng Nhật, Tân Thanh, Hợp Hòa, Thiện Kế, Sơn Nam, Ninh Lai và thị trấn Sơn Dương. Đến thời điểm này, toàn huyện có trên 123ha hoa màu bị ngập; 120 nhà dân bị tốc mái; 67 cột điện bị gãy đổ…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra một số cây cầu trên địa bàn huyện, yêu cầu ngành Giao thông vận tải tỉnh đánh giá kỹ lưỡng tình hình, nếu còn có thể lưu thông thì thực hiện phân luồng và hạn chế phương tiện để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất đối với huyện Sơn Dương là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Địa phương cần khẩn trương rà soát, hỗ trợ các hộ dân đang ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi đảm bảo an toàn; đặc biệt hỗ trợ tối đa về thực phẩm và các điều kiện khác, không để người dân phải chịu đói, chịu rét, không có chỗ ở; tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó với mưa, lũ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; kiểm soát các công trình giao thông, thủy lợi, trụ sở, trường học; có phương án giúp đỡ, hỗ trợ người dân trên đường…
Các địa phương trong huyện tập trung phòng ngừa bão lũ ở mức độ cao nhất, không được chủ quan; nắm chắc tình hình; tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”; ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra; chủ động nguồn lực và tiếp tục huy động các phương tiện sẵn sàng ứng phó…
Baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/xa-hoi/khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-an-toan-tinh-mang-cua-nguoi-dan-la-tren-het-truoc-het-20240909204636860.htm