Đổi mới tư duy, cách làm
Tuyên Quang có trên 650 di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hang động, thác nước đẹp nên Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm để thu hút khách du lịch, triển khai thực hiện nhiều chương trình, sự kiện nhằm phát triển du lịch. Đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2023, du lịch Tuyên Quang thu hút 2,65 triệu lượt khách, đạt 106% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch, tăng 29% so với cùng kỳ.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm trà đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Tiếp tục thúc đẩy kết nối thương mại và du lịch, năm nay, Tuyên Quang đã sẵn sàng cho sự kiện khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2024. Nhiều hoạt động sẽ được tỉnh triển khai thực hiện như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang; lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ III, năm 2024; Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang cùng nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ khác. Điểm nổi bật của năm nay, tỉnh tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng với chủ đề “khoáng nóng Mỹ Lâm Suối nguồn kỳ diệu”.
Để phục vụ du khách về Tuyên Quang du lịch, các cơ sở kinh doanh tắm khoáng trên địa bàn phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) đã chuẩn bị cơ sở vật chất về buồng, phòng cũng như nhân lực phục vụ các đoàn du khách về nghỉ lễ. Đảm bảo cung cấp dịch vụ cho du khách được trải nghiệm các dịch vụ tắm khoáng nóng thư thái và tốt nhất.
Về phía các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đã chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo về chất lượng cũng như mẫu mã. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chè Ngân Sơn Trung Long (Sơn Dương) cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu chè ngon thì năm nay anh chú trọng về khâu đóng gói sản phẩm chè sao cho đẹp, bắt mắt. Đồng thời cũng đóng đa dạng các hộp chè có trọng lượng nhỏ để du khách dễ dàng lựa chọn các sản phẩm OCOP khác nhau làm giỏ quà OCOP dùng để biếu, tặng.
Chị Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty thảo dược Tuệ Tâm đang tích cực chuẩn bị các sản phẩm được chế biến từ thảo dược đã có thương hiệu và được người tiêu dùng tin dùng từ nhiều năm nay như: bổ gan Tuệ Tâm đạt OCOP 4 sao; sản phẩm xương cốt Tuệ Tâm và hà thủ ô Tuệ Tâm đạt OCOP 3 sao. Năm nay, chị đem đến thêm sản phẩm mới đó là siro cát sâm bổ phế dùng được cho trẻ em từ 1 tuổi và người lớn. Đây là sản phẩm được sử dụng nguyên liệu từ cây cát sâm được công ty liên kết với người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để trồng và thu hoạch rồi sản xuất. Sản phẩm mới được ra mắt năm 2024, bước đầu đón nhận sự đánh giá cao của người tiêu dùng.
Tạo điểm nhấn phát triển
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề – Tuyên Quang năm 2024 có quy mô hơn 100 gian hàng nằm trong khuôn khổ hoạt động chào mừng khai mạc năm du lịch. Đây là dịp để quảng bá giới thiệu về đầu tư, thương mại, du lịch, mua, bán các sản phẩm du lịch, làng nghề của các địa phương trong cả nước. Qua đó thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, giúp cho nhà sản xuất, lưu thông hàng hóa, giảm bớt khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới.
Ngoài ra, tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng dân tộc đồng bào thiểu số và miền núi Tuyên Quang. Tại hội nghị sẽ tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang và các Trung tâm Thương mại đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam; ký kết Thỏa thuận hợp tác khai thác sản phẩm du lịch giữa tỉnh Tuyên Quang và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.
Du khách về Tân Trào (Sơn Dương) dịp này, ngoài thăm các di tích lịch sử thì còn được tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm bằng các sản phẩm thực tế. Du khách được chụp ảnh tại các điểm check – in, tham gia các dịch vụ du lịch như bơi mảng – nghe hát Then trên hồ Nà Nưa; check – in hoa rừng Việt Bắc; thăm cây cổ thụ trăm tuổi; trải nghiệm cung đường “chiến khu xưa”; trải nghiệm làm và thưởng thức các món ẩm thực dân tộc tại Làng văn hóa Du lịch Tân Lập như bánh trứng kiến, cá sông nướng, cơm lam, giã bánh dày, làm xôi ngũ sắc…
Anh Nguyễn Duy Tiến, một du khách tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Năm 2018 anh có về Tuyên Quang thăm người thân và được mọi người đưa đi tham quan du lịch Hồ sinh thái Na Hang, tắm khoáng Mỹ Lâm… Tuy nhiên lúc đó, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh chưa sôi động, dịch vụ còn sơ sài. Năm 2023, anh có dịp trở lại lần nữa, anh đã rất ngạc nhiên với các hoạt động, tua tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hơn, bài bản hơn, du khách đến Tuyên Quang du lịch đông vui hơn hẳn. Năm nay, anh dự kiến đưa thêm vợ và con về Tuyên Quang trong kỳ nghỉ lễ vào đúng dịp Tuyên Quang tổ chức khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2024 và đi thưởng trà Shan Tuyết Na Hang.
Du khách đến Tuyên Quang dịp này, còn được tham gia các hoạt động hưởng ứng chào mừng khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2024 ở tất cả địa bàn các huyện, thành phố như: huyện Lâm Bình tổ chức Liên hoan dân ca, dân vũ gắn với du lịch cộng đồng, hoạt động chợ đêm thứ 7 hàng tuần tại thị trấn Lăng Can; huyện Na Hang tổ chức Festival Chè Shan tuyết Na Hang gắn với cuộc thi ẩm thực dân tộc huyện Na Hang, liên hoan trại hè gắn với trải nghiệm khám phá du lịch sinh thái trong rừng; huyện Chiêm Hóa tổ chức liên hoan Câu lạc bộ dân ca, dân vũ các dân tộc, ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Trung Hà…
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, tỉnh tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trọng điểm về du lịch… Qua đó khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vốn có, để du lịch đóng góp nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.