Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lý Thịnh
Dự hội thảo có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Mai Văn Chính, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Lý Thịnh
Dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành và cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu II; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ và một số sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo các nhà khoa học. Hội thảo khoa học được tổ chức trực tiếp kết nối với 9 điểm cầu gồm các huyện, thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh và Công an tỉnh.
Giá trị to lớn của tác phẩm “Dân vận”
Ngày 15-10-1949, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên Báo Sự thật với bút danh XYZ. Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã trải qua 4 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Tác phẩm nhấn mạnh, coi trọng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân cho cuộc kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn này.
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.
Ảnh: Lý Thịnh
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí nhấn mạnh, 75 năm đã trôi qua, song tác phẩm “Dân vận” vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân trong lịch sử. Đảng ta đã thực hiện công tác vận động quần chúng theo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dặn của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng các giai cấp đã được Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lý Thịnh
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, công tác dân vận phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những nhân tố thuận lợi và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xây dựng đường lối vận động nhân dân phù hợp, trên tinh thần phát huy dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân…
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận theo hướng đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu tham luận với chủ đề: Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.
Những kết quả của công tác dân vận trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo khoa học là dịp để giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đối với cách mạng Việt Nam và vận dụng, phát huy giá trị tác phẩm trong công tác dân vận hiện nay.
Vận dụng sáng tạo vào thực tiễn
Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh đã phát biểu tham luận, tập trung làm sáng tỏ các vấn đề: Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân vận” đến công tác dân vận của Đảng giai đoạn hiện nay; tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn; Đảng lãnh đạo công tác dân vận – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển; công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới đất nước 40 năm qua – Thành tựu và bài học; học tập, vận dụng Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong giai đoạn hiện nay…
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận với chủ đề: Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua – Thành tựu và bài học.
Các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo ban, ngành Trung ương, địa phương đã tham gia toạ đàm bàn tròn với chủ đề: Từ tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy tối đa sức mạnh Nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu đã tập trung làm rõ hơn giá trị tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những vấn đề cốt lõi của công tác dân vận cần quan tâm chú trọng thực hiện theo thư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nội dung có ý nghĩa thời sự đặc biệt trong tác phẩm “Dân vận”; công tác dân vận tăng cường mối mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trong giai đoạn hiện nay; vai trò của công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại huyện Hàm Yên…
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định, tác phẩm “Dân vận” của Bác là sự kế thừa phát triển sáng tạo giá trị truyền thống dân tộc, quan điểm chủ nghĩa Mác -Lênin về vai trò sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Đại biểu tham gia tọa đàm tại hội thảo. Ảnh: Lý Thịnh
Tác phẩm là cẩm nang cho việc thực hiện công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. 75 năm đã qua từ khi tác phẩm Dân vận ra đời, đặc biệt là qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tác phẩm vẫn vẹn nguyên nội dung và giá trị, tính thời sự sâu sắc, là cơ sở, nền tảng lý luận để Đảng và Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Thành công của hội thảo sẽ là tư liệu quý báu góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau 40 năm đổi mới của đất nước. Kết quả của hội thảo sẽ góp thêm tư liệu xây dựng Văn kiện Đại hội 14 của Đảng. Những tham luận tại Hội thảo sẽ được chọn lọc, biên tập và xuất bản thành sách để tiếp tục lan tỏa nội dung và giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về công tác dân vận nói riêng.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/hoi-thao-khoa-hoc-75-nam-tac-pham-dan-van-cua-chu-tich-ho-chi-minh-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-doi-voi-cong-tac-dan-van-hien-nay-200013.html