Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Năm 2023, cả nước xảy ra 1.964 trận thiên tai cực đoan, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ; động đất xả ra tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển…Thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Năm 2023, thời tiết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang diễn biến bất thường. Hiện tượng mưa lớn kèm dông, gió lốc, sạt lở đất, ngập lụt, rét đậm, rét hại xảy ra gây thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu và các công trình hạ tầng của nhà nước. Có 9 đợt thiên tai (mưa vừa, mưa to kèm dông, lốc, ngập lụt, lũ quét cục bộ) gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, hoa màu và các công trình hạ tầng của nhà nước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, xảy ra 5 đợt thiên tai, gây hư hỏng 1.983 ngôi nhà, 4 điểm trường, trên 1.459 ha lúa và hoa màu, 935 ha cây lâm nghiệp, 38 cột điện đổ gẫy, 20 tủ cáp hỏng…ước thiệt hại 29,2 tỷ đồng.
Đại biểu các sở, ngành dự hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị đã thảo luận đưa ra các giải pháp phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế – xã hội, trong năm 2024: Theo dõi chặt chẽ và cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, dự báo bằng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động và mạng xã hội; trích lập quỹ phòng chống thiên tai hoặc kinh phí cho hoạt động phòng chống thiên tai trong đó có bố trí nguồn vốn, kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự trữ và cứu trợ kịp thời khi có thiên tai; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn tổ chức luyện tập, diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT-TKCN từ Trung ương đến địa phương; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế còn gặp phải trong công tác PCTT-TKCN.
Đồng chí đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN và phòng, thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão; nâng cao chất lượng dự báo, năng lực điều hành của từng địa phương; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác PCTT; đồng thời mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác dự báo, hỗ trợ PCTT.