Mở rộng vùng phủ sóng
Đã hơn 8 tháng kể từ khi có trạm phát sóng thông tin di động Vinaphone 3G và 4G, cũng là từng ấy thời gian đời sống của hơn 300 hộ dân ở 3 thôn Cả, Khuôn Lũy và thôn Bẩng, xã Công Đa (Yên Sơn) thay đổi.
Đồng chí Ma Kim Hải, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Cả phấn khởi cho biết, từ khi có trạm phát sóng di động người dân mừng như bắt được vàng. Mọi người muốn thông tin cho nhau không phải mất công đến tận nơi nữa, bấm số là gọi mà gọi được cả video. Ông Hải bảo, “Trạm phát sóng cũng hỗ trợ công việc cho ông rất nhiều, chi bộ, thôn lập nhóm zalo dùng chung, mọi thông tin được nhắn lên nhóm, đảng viên, người dân đều nắm được, nhanh, hiệu quả và tiện lợi lắm!”.
Viettel Tuyên Quang đầu tư lắp đặt trạm phát để mở rộng vùng phủ sóng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Ma Văn Phú, thôn Bẩng cũng không giấu được niềm vui khi sóng điện thoại di động được đưa về. Ông Phú chia sẻ, trước kia, mỗi lần gọi điện thoại, ông và người dân trong thôn lại phải chạy lên đỉnh đồi cao “mót” vạch sóng rơi, sóng vãi. Giờ thì khác rồi, mọi thông tin liên lạc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ông Phú bảo, sóng di động được “dẫn” về người dân đã biết sử dụng điện thoại thông minh, lắp đặt nhiều gói truyền hình, xem được rất nhiều kênh thông tin bổ ích, tầm nhìn được mở mang.
Đồng bào dân tộc Dao, thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cũng mở mang ra nhiều khi sóng điện thoại được đưa về. Chị Tướng Thị Liên phấn khởi khoe, có mạng 4G chị biết sử dụng zalo, facebook, đọc báo và tìm hiểu những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi ngay trên điện thoại.
Ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật – Đầu tư, VNPT Tuyên Quang cho biết, trạm phát sóng thôn Cả, xã Công Đa (Yên Sơn), thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) là một trong 52 điểm trạm di động 3G, 4G được VNPT lắp đặt trong thời gian vừa qua nhằm mở rộng vùng phủ sóng, trong đó 10 trạm phục vụ thôn bản trắng sóng di động theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. VNPT cũng thi công mới 242.000 km cáp quang, lặp đặt 441 bộ chia cáp quang cấp 2 với dung lượng 3.500 thuê bao để cung cấp dịch vụ Internet cho khách hàng…
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Tuyên Quang cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Từ đầu năm đến nay, Viettel lắp đặt 29 vị trí phát sóng, nâng tổng số điểm phát sóng lên 651 vị trí; thực hiện thử nghiệm phát sóng 5G tại khu vực thành phố Tuyên Quang và duy trì phát sóng 47/47 trạm Cosite 4G đưa mạng cố định băng rộng đến 138 xã, phường, thị trấn, phủ đến 85% số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Viettel Tuyên Quang cũng đưa vào kinh doanh hàng chục nghìn cổng Gpon (điểm truy cập tới đa điểm) phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, ngành, địa phương.
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 1.311 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động, tăng 82 trạm so với cuối năm 2022, đảm bảo gần 100% số thôn, bản, tổ nhân dân trên địa bàn được phủ sóng điện thoại di động. Các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt các trạm phát, mở rộng vùng sóng đã tăng tốc độ truy cập mạng băng rộng lên rất nhiều so với những năm trước.
Cán bộ kỹ thuật VNPT Tuyên Quang kiểm tra trạm phát sóng.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng khoảng 26%, mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%; 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang; 1.573/1.733 thôn, bản, tổ dân phố sử dụng được internet cáp quang, đạt 90,8%; phủ sóng thông tin di động đến 1.655/1.733 thôn, đạt gần 95,5%… Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin “Một cửa” tỉnh được triển khai, kết nối liên thông từ tỉnh đến tất cả các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin “Một cửa” tỉnh đạt mức độ 3, mức độ 4… Việc triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, từng bước triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông, các cơ quan nhà nước của thành phố đã thay đổi phương thức làm việc, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với mục tiêu đến năm 2025, cải tạo, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng cáp quang đảm bảo an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao vùng phủ sóng rộng, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng Internet phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai chuyển đổi số gắn kết với phát triển đô thị thông minh, kết hợp tối đa với hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư.
Ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật – Đầu tư, VNPT Tuyên Quang cho biết, từ nay đến cuối năm, VNPT Tuyên Quang sẽ lắp đặt thêm 35 trạm phát sóng. Mục tiêu VNPT đặt ra là sẽ đồng hành cùng tỉnh xóa vùng trắng và lấp đầy vùng lõm sóng di động, góp phần xây dựng một xã hội số.
Tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng bản đồ số, xây dựng trung tâm dữ liệu, tạo lập dữ liệu mở, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm và dữ liệu dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; triển khai đồng bộ hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh… đảm bảo phát triển và hoàn thiện mạng lưới công nghệ thông tin, phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.