Sơn Dương là địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do lao động còn hạn chế về tay nghề nên chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Sơn Dương xác định được vai trò của nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngày càng cao thì giải pháp duy nhất là tập trung tăng cường đào tạo, đào tạo lại, nhất là với lực lượng lao động lớn ở vùng đồng bào DTTS.
Ngày 24/11 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Sơn Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm năm 2024. Tham gia Phiên giao dịch có 16 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh với các vị trí tuyển dụng lao động phổ thông, lao động có tay nghề, học nghề… Tại Phiên giao dịch có hơn 1.000 người lao động và học sinh Trường Trung học Phổ thông Đông Thọ được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề phù hợp như: may mặc, xây dựng, xuất khẩu lao động, du lịch, chế biến thực phẩm, đào tạo nghề sửa chữa…
Anh Nguyễn Hữu Tấn nhà ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương) sau khi tham gia ngày hội việc làm tại địa phương đã đăng ký và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh thuộc cụm công nghiệp xã Phúc Ứng (Sơn Dương). Anh Tấn cho biết, cụm công nghiệp Phúc Ứng mở ra đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn như anh. Từ ngày có việc làm, anh có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nếu ai trong độ tuổi lao động cũng có việc làm, thu nhập ổn định thì việc thoát nghèo là đương nhiên.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, mới đây, huyện Sơn Dương cho biết thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và công tác đưa người lao động đi nước ngoài trên địa bàn huyện, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình, đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo huyện ban hành Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch triển khai thực hiện.
Công tác quản lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được huyện Sơn Dương coi là một trong những giải pháp trọng tâm, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ 105 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường. Số lượng lao động được hỗ trợ chính sách là 8 người, tổng số tiền hỗ trợ là 663 triệu đồng.
Riêng trong năm 2023, huyện đã mở 19 lớp dạy nghề, tổ chức thành công 2 phiên giao dịch việc làm, tạo việc làm mới cho 5.423 người, đạt 109% kế hoạch.
Huyện Sơn Dương phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, huyện Sơn Dương đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động; pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp; các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn; đáp ứng xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuyên Quang: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn