Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến theo dõi vở kịch.
Đến dự có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; NSND Vương Duy Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố; các văn nghệ sỹ, đoàn viên, thanh niên và đông đảo khán giả.
“Lá đơn thứ 72” được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du với sự kết hợp đặc biệt của NSND Lê Tiến Thọ – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong vai trò đạo diễn và NSND Vương Duy Biên – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vai trò thiết kế sân khấu.
Hình tượng Bác Hồ do nghệ sĩ Văn Hải thể hiện gây xúc động cho khán giả.
Vở kịch dựa trên một câu chuyện có thật của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ – nguyên Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao nói về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước.
Tác phẩm kể về nhân vật Đỗ Minh – người tù số 003 mang theo nỗi uất ức vì chịu án oan. 8 năm ròng, người tù ấy luôn chấp hành tốt tất cả các nội quy của trại nhưng không ngừng viết đơn gửi Bác Hồ với mong muốn được giải oan. Mặc cho cán bộ trại giam khuyên giải, bạn tù chế giễu, người tù ấy vẫn viết lá đơn thứ 72 gửi đến Bác Hồ. Đồng thời viết 1 lá đơn khác, nhờ vợ gửi tận tay Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Tin tưởng chồng không thể là một kẻ sát nhân, người vợ mang lá đơn, xin gặp và trao tận tay Viện trưởng.
Các cháu thiếu nhi quây quần bên Bác Hồ và người dân gây xúc động cho người xem.
Qua biết bao khó khăn, cuối cùng lá đơn kêu oan thứ 72 của Đỗ Minh – người tù số 003 đến tay Bác Hồ. Có một điều khiến Người chú ý là tác giả bức thư không một lần xin giảm án. Anh ta chỉ thiết tha được minh oan, luôn đặt niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác. Hơn thế, hàng tháng, anh đều dành dụm số tiền ít ỏi của mình, thiết tha đề nghị được đóng Đảng phí. Chính nội dung này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định yêu cầu Viện trưởng Viện KSND Tối cao điều tra lại vụ án với lời nhắn nhủ: “Xã hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của chúng ta đã có độc lập, đã có tự do và bây giờ mọi người phải được bình đẳng, được ấm no và đấu tranh cho hạnh phúc. Bác chỉ mong vậy thôi!”.
Cuối cùng nhân vật Đỗ Minh đã được giải oan, kẻ phạm tội đã thú nhận tội ác và chịu sự trừng trị của pháp luật.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các diễn viên.
Trong vở kịch hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa rất rõ nét, chân thực, thuyết phục nhất về “Người cha già” luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất. Tác phẩm thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả được chuyển tải sinh động, từ lời thoại, diễn xuất, phong cách của Người.
Vở kịch thu hút đông đảo khán giả trong tỉnh đến xem và thưởng thức. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh và Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.