Tạo đồng thuận
Về lại xã Bạch Xa vào những ngày này, những tuyến đường bê tông phẳng lì, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư như bừng thêm sức sống của vùng quê nông thôn mới. Đồng chí La Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để xã xây dựng thành công xã nông thôn mới chính là phát huy được vai trò chủ thể của người dân, khơi dậy được nguồn lực trong Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các thôn công khai chủ trương, kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới để cán bộ, đảng viên và Nhân dân được biết, được tham gia bàn bạc, quyết định phương án để tổ chức thực hiện. Mặt khác, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy lòng dân, sức dân trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.
Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, xã Bạch Xa đã huy động được gần 97,5 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 22 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn tích cực hiến đất, đóng góp tiền, ngày công làm đường điện chiếu sáng, tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Cuối năm 2023, xã Bạch Xa đã hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuyến đường bê tông thôn Bến Đền, xã Bạch Xa (Hàm Yên) được hoàn thành giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn.
Bà Hà Thị Phin, thôn Bến Đền, xã Bạch Xa chia sẻ: Việc lớn, việc nhỏ của địa phương đều được cấp ủy, chính quyền địa phương phổ biến rộng rãi đến nhân dân. Người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình, từ đó tích cực tham gia đóng góp vì sự phát triển của địa phương. Gia đình bà cũng tự nguyện hiến 500 m2 đất đồi, 38 cây quế hơn 5 năm tuổi, 30 cây cam đã 8 tuổi và tham gia đóng góp ngày công để làm đường bê tông. Trước mắt thì gia đình hy sinh, nhưng sau này gia đình, người dân thuận lợi trong sản xuất và lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, đời sống ngày càng được nâng cao.
Thực hiện dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hàm Yên đặt mục tiêu công khai, minh bạch các chủ trương, kế hoạch thu hồi, chính sách đền bù… đến tất cả mọi người dân, đặc biệt là các hộ dân chịu sự tác động của dự án. Theo đó, tuyến đường Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang qua địa bàn huyện Hàm Yên dài hơn 48 km với tổng số hơn 1.600 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và tài sản trên đất.
Với việc chủ động các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là thực hiện tốt quy chế dân chủ, luôn công khai minh bạch các thông tin về dự án, các chính sách đền bù… đã giúp người dân vùng dự án hiểu và hầu hết đồng thuận cho việc triển khai thực hiện dự án. Đến nay, toàn huyện có 1.461 hộ nhận bồi thường, thu hồi đất; bàn giao được trên 34,2 km mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện thi công tuyến đường.
Ông Hoàng Văn Hồi, thôn 1 Thuốc Hạ, xã Tân Thành bày tỏ: Khi có chủ trương xây dựng đường cao tốc, toàn thôn đều được chính quyền huyện, xã thông tin đầy đủ. Được thông tin kịp thời, mỗi người dân đều hiểu quy mô, tầm quan trọng của dự án, từ đó đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Riêng gia đình ông đã tiên phong bàn giao hơn 6.000 m2 đất ở, chuồng trại, rừng keo để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Nghiêm túc, hiệu quả
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cũng được tăng cường. Trong đó, các cơ quan, đơn vị xây dựng, ban hành các quy chế, quy định trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức nhằm phát huy dân chủ; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để công khai những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm và kinh phí được ngân sách nhà nước cấp phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các doanh nghiệp công khai, phổ biến nội quy, quy chế tới người lao động. Từ đó, người lao động được bàn, quyết định các nội dung thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật, nghị quyết hội nghị người lao động; xây dựng, sửa chữa, bổ sung và thực hiện các quy định, quy chế của doanh nghiệp…
Huyện Hàm Yên đã thực hiện nghiêm túc Quy định số 11- QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Từ năm 2023 đến nay, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiếp gần 1.200 lượt công dân; tiếp nhận 179 đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân. Nhờ thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư nên thời gian qua trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Đồng chí Nguyễn Duy Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Dân vận huyện Hàm Yên cho biết: “Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia những công việc của địa phương; đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.
Nhiều khó khăn, vướng mắc tại cơ sở được kịp thời tháo gỡ, giải quyết hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo niềm tin và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.