Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Sở Du lịch chủ trì với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành thành phố, lãnh đạo các địa phương và các cán bộ phụ trách kinh tế, du lịch của các huyện có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn của Thủ đô đã trải nghiệm hoạt động du lịch đêm trên cầu sông Hàn, du lịch tâm linh tại chùa Linh Ứng, khảo sát cơ sở lưu trú Intercontinental, các điểm mua sắm sản phẩm OCOP địa phương.
Trong buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Tán Văn Vương thông tin, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025. Việc thí điểm đề án góp phần đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng 15 mô hình thí điểm trên địa bàn Hòa Vang. Mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình. Các loại đất được thực hiện mô hình thí điểm gồm: Đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất.
Mô hình thí điểm không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng, không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng. Các hạng mục cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.
Mô hình thí điểm phải có diện tích từ 3.000m2 trở lên đối với đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm), đất nuôi trồng thủy sản; 10.000m2 trở lên đối với đất rừng sản xuất.
Các dịch vụ được triển khai trong mô hình thí điểm gồm: Dịch vụ trải nghiệm như tổ chức cho khách trồng, thu hoạch, đóng gói rau củ quả, thả lưới, câu cá, giáo dục trải nghiệm ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Trải nghiệm tour du lịch trên sông Hàn về đêm.
“Thành phố Đà Nẵng đã có sự phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 bằng cách tập trung vào các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa. Nhiều sự kiện văn hóa quốc tế đã được tổ chức thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế. Hiện, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó sẽ tập trung cho du lịch nông nghiệp để tăng thêm sức hấp dẫn du khách. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tăng được lượng khách lớn từ Hà Nội”, ông Tán Văn Vương cho biết.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, nhiều năm qua, Hà Nội và Đà Nẵng có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ trong phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường lượng khách hai chiều giữa hai địa phương. Với riêng lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022 về phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Chuyến khảo sát thực hiện tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Nam – Đà Nẵng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
“Việc học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, sẽ giúp nhiều địa phương của Hà Nội thêm kinh nghiệm để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với thực tiễn và tiềm lực của mình. Từ đó các địa phương của Hà Nội sẽ có định hướng phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn, khai thác tối đa nguồn lực đang có, hướng dẫn, vận động người dân cùng tham gia để tăng nguồn thu cho địa phương”, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Tại tọa đàm, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch Đà Nẵng cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Các địa phương sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các đoàn famtrip với sự tham gia của các đơn vị lữ hành để phát triển tuyến điểm du lịch Hà Nội – Đà Nẵng bền vững, hấp dẫn.