Tìm hướng để phát triển
Phát triển đa dạng dịch vụ, nhất là việc thực hiện liên kết giữa HTX với doanh nghiệp; HTX với HTX, HTX với người dân đang được các HTX trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện như một yêu cầu thiết yếu để phát triển. HTX nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) đang đầu tư phát triển mạnh mảng gia công linh kiện điện tử, tạo việc làm cho 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc HTX cho biết: HTX đang làm dịch vụ 60 ha mía liên kết với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và gia công linh kiện điện tử. Việc phát triển các mảng dịch vụ được Hội đồng quản trị HTX xác định là vấn đề sống còn của HTX. Nếu không tiếp cận với việc mới thì HTX sẽ không thể phát triển được, vì thế năm 2022 thành viên HTX đã góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, làm vốn quay vòng. Thời điểm nhiều việc tạo việc làm cho 400 lao động địa phương. Hiện HTX đang làm thêm nhà xưởng, máy móc để liên kết với một doanh nghiệp lắp ráp đồ chơi bằng nhựa xuất khẩu.
Sản xuất, lắp ghép linh kiện điện tử tại HTX nông lâm nghiệp Tam Đa.
Tuy nhiên, ông Hải chia sẻ: Cái khó nhất của HTX nông lâm nghiệp Tam Đa hiện nay là tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xoay vòng sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Chính vì thế muốn các cấp, ngành quan tâm hơn đến các HTX để tạo điều kiện cho HTX phát triển bắt nhịp được với xu thế thị trường.
Như HTX nông lâm nghiệp Tam Đa, HTX công nghệ cao Tiến Thành, HTX Minh Khương; HTX Minh Quang, HTX chè hữu cơ Trung Long đã tìm hướng liên kết với doanh nghiệp sản xuất chè xuất khẩu. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Để hỗ trợ nhau đưa sản phẩm chè quê mình ra thế giới, tháng 4-2022, anh thành lập Công ty cổ phần chè Sơn Dương, chọn sản xuất chè xanh xuất khẩu sang thị trường Nam Á, Trung Âu không chỉ giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi vùng chè ATK Sơn Dương, trong tỉnh mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè xuất khẩu của tỉnh.
Theo anh Thắng thì nhiều năm qua, sản xuất nhỏ lẻ, theo phương pháp truyền thống không tiêu thụ hết sản phẩm chè búp tươi cho người dân trong vùng, lợi nhuận đã không được đáng kể mà phát triển sản xuất nhỏ lẻ khó áp dụng khoa học kỹ thuật. Bởi thế phải tìm cách xoay chuyển để sống với nghề chè, trong cái khó “ló” cái liều thôi. Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường xuất khẩu mặt hàng chè xanh, năm 2022, anh quyết định chung vốn cùng một số người bạn đầu tư trên 8 tỷ đồng làm dây chuyền sản xuất chè xanh xuất khẩu với công suất tối đa 50 tấn chè khô/năm. Năm 2023, đã xuất khẩu được trên 30 tấn chè xanh, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Năm 2024, mô hình HTX – doanh nghiệp liên kết phấn đấu sản xuất, xuất khẩu trên 40 tấn chè xanh khô, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và gần 1.000 hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh.
Cần thêm trợ lực
Chủ động liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển theo hướng đa dạng các dịch vụ. Tuy nhiên những HTX có đủ tiềm lực bứt phá rất ít vì quy mô HTX nhỏ, thiếu vốn, thiếu lao động chất lượng cao…
Sản xuất giày da do HTX chè Quang Minh và Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang liên kết.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và thiếu liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã… nên dù có hơn 600 HTX nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa có liên kết lớn, chưa có HTX có sản phẩm xuất khẩu.
Ông Cao Hùng Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho rằng, một số cấp ủy, địa phương vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Một HTX hoạt động hiệu quả có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, vừa tạo thu nhập, việc làm cho người dân, vừa tạo ra sản xuất hàng hóa cho địa phương, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp… Vì vậy, phát triển kinh tế tập thể, HTX đúng hướng sẽ là đòn bẩy để phát triển. Để phát triển kinh tế HTX mạnh hơn thì cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành, chính quyền các địa phương trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ các HTX về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đất đai…
Hỗ trợ các HTX phát triển, từ năm 2017 tỉnh đã hỗ trợ 32 HTX với mức 100 triệu đồng/HTX để phát triển sản phẩm, tổng kinh phí hỗ trợ là 3,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 34 HTX tham gia các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 8 HTX thực hiện các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm với kinh phí hỗ trợ 3,26 tỷ đồng. Ngoài ra, các chính sách về thành lập các HTX mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như xây dựng trụ sở, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, nhà kho, các công trình điện và hệ thống tưới nước…
Phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể, trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã ban hành Chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn thực hiện các giải pháp tháo gỡ những bất cập, khó khăn tạo điều kiện để HTX phát triển. Các HTX chủ động liên kết, phát huy nội lực để phát triển hiệu quả các loại hình dịch vụ, sản phẩm.