Các đại biểu tại phiên thảo luận.
Các đại biểu khẳng định chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS…
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình. Các đại biểu tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, đồng thời đề nghị báo cáo đánh giá tác động cần thể hiện rõ những thay đổi tác động đến nguồn vốn, tính khả thi của việc giải ngân; cần rà soát kỹ lưỡng để quyết định các danh mục đầu tư trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; các công trình, dự án văn hóa gắn với phát triển du lịch, bao gồm cả trong và ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), các đại biểu nhất trí việc đầu tư dự án là cấp thiết với mục tiêu kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở bảo đảm tính khả thi của dự án, giải pháp xử lý các dự án giao thông BOT song hành, tránh ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, khai thác, vận hành về sau; có cơ chế giao các cơ quan đầu mối rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Ma Thi Thuý đã chia sẻ những kết quả đạt được, hiệu quả mang lại của chương trình tại địa phương. Đồng thời đề nghị cần có sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong chủ trương điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nội dung điều chỉnh đối với di tích quốc quốc gia đặc biệt; các trường đại học, dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị này chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư chương trình, do có trụ sở nằm ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số mà miền núi dẫn đến khó khăn trong việc lập, thẩm định kế hoạch vốn, thanh quyết toán.
Đại biểu dẫn chứng từ Tuyên Quang có Trường Đại học Tân Trào, chủ yếu đào tạo sinh viên các tỉnh miền núi, trên 70% sinh viên là người dân tộc thiểu số và 2 trường nội trú nằm ngoài địa bàn khó khăn. Đại biểu đề nghị cần bổ sung, làm rõ quy định trong nghị quyết. Đồng thời, quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung quyết định đầu tư chương trình bảo đảm các nguyên tắc về nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.