Ngày hội được tổ chức trong không gian sự kiện rộng 20ha với 2km đường đèn lồng, 26 cụm đèn lồng siêu lớn. Ấn tượng hơn cả là đèn lồng cao nhất với chiều dài tương đương với công trình cao 5 tầng.
Đây là lễ hội đèn lồng quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và chủ nhà Việt Nam, nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hoá và sự gắn kết giữa các nước.
Tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” của đội Hội An Craft đạt giải nhất cuộc thi thiết kế đèn lồng quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.
Đây là tác phẩm đèn lồng dài 70m, rộng 20m, được thiết kế với kích thước khổng lồ, mô phỏng hình ảnh của phố cổ Hội An. Tác phẩm được làm thủ công, mang đậm nét văn hóa nghệ thuật và lịch sử.
Với cách thể hiện tài tình đầy sáng tạo, mang đậm bản sắc văn hóa Hội An, tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” giúp du khách cảm nhận được một Hội An đa sắc trên từng chiếc lồng đèn (Ảnh: Huy).
Anh Ryosuke Harashima, du khách đến từ Nhật Bản cho biết, đây là lần thứ 2 anh tới Việt Nam. Vị khách Nhật Bản cho biết, anh ấn tượng nhất là tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” của đội Việt Nam.
“Tôi đã dành nguyên cả buổi để chiêm ngưỡng từng bộ đèn lồng và thấy rất bất ngờ. Những nghệ nhân làm đèn lồng ở Việt Nam sáng tạo quá”, vị khách người Nhật nhận xét.
Du khách đến từ Hà Nội bày tỏ sự thích thú khi tận mắt chứng kiến quy mô khổng lồ và thiết kế công phu của tác phẩm. Vị khách cho biết, chị đã chọn cho mình và con gái trang phục áo dài truyền thống để chụp hình giữa không gian đèn lồng thiết kế theo bối cảnh của phố cổ Hội An.
Cụm đèn lồng lấy cảm hứng từ rắn – linh vật của năm Ất Tỵ, được thiết kế cách điệu và uyển chuyển dọc theo đại lộ. Về đêm, những khối đèn lồng rực sáng càng thu hút du khách dừng lại chụp hình.
Đèn lồng “Long Phượng sum vầy” của đội thi sắc màu cuộc sống đến từ Tuyên Quang giành giải 3 của cuộc thi. Đây là tác phẩm có đường kính 4,2m và chiều cao 5,2m.
Du khách ngắm nhìn tác phẩm “Lễ tế Sajik và Nongak” của tác giả Lee Sang Moo đến từ Hàn Quốc.
Đây là tác phẩm tái hiện bằng sắc màu và ánh sáng những nghi thức truyền thống từ triều đại Josen. Trong đó, cụm đèn lễ tế Sajik và Nongak là nét chấm phá độc đáo để hoàn thiện bức tranh sinh động về nền văn hóa phương Đông rực rỡ.
Tác phẩm “Lạc Long Quân trở về” của đội Tuyên Quang giành giải khuyến khích, gây ấn tượng với kích thước cao 20m. Đây cũng là tác phẩm do nghệ nhân nhỏ tuổi Phạm Hải Anh (18 tuổi) lấy cảm hứng từ Cha Rồng – Lạc Long Quân của dân tộc.
Niềm tin vào sự trở về của Lạc Long Quân không chỉ là một niềm an ủi tâm linh mà còn là nguồn cảm hứng cho tinh thần đấu tranh, đoàn kết và kiên cường của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Bên cạnh những tác phẩm đèn của nghệ nhân Việt Nam, nhiều cụm đèn khổng lồ của các tác giả nước ngoài cũng thu hút khách. Trong ảnh là tác phẩm đèn lồng Bạch Long với ngụ ý rồng trắng bay trên dải ngân hà nổi bật bởi thiết kế đường khối sắc nét và kỳ công.
Các tác phẩm được trưng bày trên cung đường dài hàng km dọc theo tuyến phố như Phố Đông, San Hô. Trong đó có những cụm đèn lồng thuộc bộ sưu tập “Sinh vật huyền bí phương Đông” của các nghệ nhân Trung Quốc là những linh thú mang tới sự may mắn (Ảnh: Huy).
Đội múa rồng chụp hình phía trước tác phẩm đèn lồng “Cây phù tang” của đội Nhật Bản.
Ngay trong ngày đầu khai mạc lễ hội đã thu hút nhiều bạn trẻ tới tham quan và chụp hình. Trong đó, không ít cô gái chọn cho mình những tà áo dài dân tộc để ghi lại khoảnh khắc những ngày Xuân.
Bên cạnh lễ hội đèn lồng, các gian hàng chợ Xuân cùng nhiều hoạt động vui chơi dịp Tết sẽ tiếp tục diễn ra tại đây và kéo dài tới 16/3. Trong đó, những quầy hàng bán ẩm thực đặc biệt thu hút khách.
Ảnh: Nguyễn Hà Nam
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/den-long-khong-lo-70m-lam-khach-nhat-bat-ngo-nguoi-viet-qua-sang-tao-20250119111353250.htm