Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Tuyên Quang tham gia phát biểu thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu cho rằng, năm 2023 tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt 5,66% thì kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Về số liệu số doanh nghiệp rút lui và gia nhập vào thị trường, đại biểu Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hệ luỵ từ đại dịch Covid – 19 cùng với ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột chính trị, quân sự của các nước trên thế giới khiến cho cung cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của các doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gãy dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đại biểu bày tỏ quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp.
Theo đại biểu, doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch Covid – 19. Đến nay, tình trạng này đang dần được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp.
Đại biểu phân tích: Trong quý I năm 2024, yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 55,1%; yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.
Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức thấp. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức dưới 50 điểm, là mức suy giảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm và duy trì ở mức thấp. Các ngân hàng vẫn tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng nhằm tăng trưởng tín dụng.
Các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp khó khăn thị trường đầu ra nên giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý thận trọng, tiết kiệm chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho tín dụng khó tăng trưởng, phản ánh độ hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.
Để góp phần tháo gỡ thực trang khó khăn trên của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà cho rằng, cần chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
Cùng với đó, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước. Trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khoá, duy trì các chính sách đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua như: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất v/v… Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đại biểu cũng đề xuất, cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để mở rộng kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hạn chế dần nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng.