Du khách tham quan đồi chè ở Mộc Châu, Sơn La.
Đến với các tỉnh khu vực Ðông Bắc, người ta dễ dàng bắt gặp những vùng chè xanh bát ngát có tên gọi trùng với tên thôn, xã, hay ngọn núi, con sông… của địa phương như các vùng chè: Bản Ven (Bắc Giang), Hòa An (Lạng Sơn), Tân Cương (Thái Nguyên), Ngọc Linh (Hà Giang), Khe Cốc (Thái Nguyên), Khau Mút (Tuyên Quang)… Tại các địa phương này, cây chè được coi là cây trồng chủ lực. Nếu Thái Nguyên, Tuyên Quang nổi tiếng với các loại chè xanh, chè đen, chè vàng; thì Bắc Kạn, Hà Giang lại nức danh với giống chè shan tuyết; trong khi Cao Bằng gây tiếng vang với thương hiệu chè ô long…
Những vùng trồng chè gắn liền phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và địa hình đa dạng của khu vực Ðông Bắc với vách núi, triền đồi trùng điệp, chung quanh là những cánh rừng, ruộng bậc thang, thung, khe…, cùng sắc màu văn hóa đa dạng, độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú. Ðây chính là nguồn tài nguyên vô giá, có khả năng kết nối để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với các vùng chè Ðông Bắc.
Tận dụng thế mạnh trên, thời gian qua, nhiều tỉnh trong tiểu vùng đã khai thác các hoạt động du lịch gắn với chè, phổ biến là tham quan các đồi chè, cánh đồng chè, cơ sở sản xuất, chế biến chè; trải nghiệm hái chè, sao chè; pha trà, thưởng trà và nghe những câu chuyện kể về văn hóa trà; kết hợp mua sắm các sản phẩm chè, đặc sản địa phương… Tại Thái Nguyên – một trong những tỉnh có sản lượng, diện tích trồng chè dẫn đầu cả nước, các điểm du lịch cộng đồng đã được hình thành ở các vùng chè như Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc với mô hình tham quan đồi chè kết hợp lưu trú homestay và thưởng thức các hoạt động văn hóa của người dân.
Hay tại Hà Giang, bên cạnh các hoạt động tham quan, vãn cảnh đồi chè đang được nhiều đơn vị như Hợp tác xã chè Phìn Hồ, Hợp tác xã chè Hồ Thầu, Công ty TNHH chè Việt Shan… triển khai, các trải nghiệm leo núi, dã ngoại, “phượt” trên các cung đường hiểm trở để đến với những vùng chè shan tuyết cổ ở khu vực núi cao dãy Tây Côn Lĩnh cũng được khởi động.
Ðáng chú ý, tại Cao Bằng, Ðồn điền Chè Kolia đã được phát triển thành khu sinh thái với nhiều sản phẩm phục vụ du khách như: Tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng tại đồi chè kết hợp khám phá các di tích vùng phụ cận với vườn quốc gia Phja Oắc-Phja Ðén, quần thể nhà trình tường người Dao, biệt thự cổ người Pháp, vườn trúc Bản Phường… Trung bình mỗi năm, Ðồn điền chè Kolia đón khoảng 10.000 lượt khách đến thăm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động du lịch gắn với các vùng chè tại khu vực Ðông Bắc vẫn chưa khai thác được nhiều thế mạnh của tài nguyên, chủ yếu mới phục vụ khách đại trà đi tham quan trong ngày. Sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các vùng chè còn nghèo nàn, hạn chế về cơ sở lưu trú và các dịch vụ, tiện ích đi kèm… Trao đổi tại Hội thảo “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Ðông Bắc Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội, tiến sĩ Lê Quang Ðăng (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện đã thực hiện một điều tra xã hội học với ba nhóm đối tượng: Khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng sinh sống tại các vùng chè Ðông Bắc. Kết quả cho thấy, có tới 42,8% số khách không lựa chọn lưu trú qua đêm do vùng chè không có cơ sở lưu trú hoặc cơ sở lưu trú không hấp dẫn… Mức chi tiêu bình quân trong ngày của khách còn thấp, chủ yếu là dưới 1 triệu đồng/ngày (chiếm 66,72%) do chủ yếu đi du lịch trong ngày, các vùng chè chưa có nhiều dịch vụ thu hút khách…
Ðể thay đổi thực trạng này, theo tiến sĩ Lê Quang Ðăng, chính quyền địa phương các cấp cần xây dựng quy hoạch phát triển các vùng chè theo hướng vừa phát triển sản xuất chè vừa xác định giá trị, khoanh vùng tài nguyên vùng chè để phục vụ phát triển du lịch; từ đó, quan tâm đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch tại các vùng chè, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm hành chính, khu du lịch trọng điểm đến các vùng chè và giao thông nội khu, bảo đảm sự thuận tiện di chuyển của du khách. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng chè vừa theo chiều sâu (lấy ngành chè và văn hóa trà làm hạt nhân của các sản phẩm, dịch vụ du lịch) vừa theo chiều rộng (kết hợp tham quan, chụp ảnh check-in, trải nghiệm vùng chè với du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, lễ hội, sự kiện văn hóa-thể thao ở địa phương…).
Nhấn mạnh việc khai thác du lịch từ cây chè phải tạo được điểm nhấn riêng giữa các vùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, điều quan trọng là cần tạo dựng ở mỗi vùng chè một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc bằng cách “chọn đặc sản từ di sản”, nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa ra những giá trị văn hóa độc đáo nhất, xây dựng cách thức giới thiệu đến khách một cách tự nhiên nhất; đồng thời, cần tăng cường vai trò là chủ thể văn hóa của cộng đồng trong các hoạt động quản lý và tổ chức phát huy “sản nghiệp văn hóa” của chính họ, khuyến khích họ tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa với vai trò là người giới thiệu, kể câu chuyện về các di sản văn hóa.
Là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa trà, ông Trịnh Quang Dũng, Phó Trưởng ban Bảo tồn phát triển (Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam) khẳng định, không nước nào trong khối ASEAN có nền văn hóa trà như Việt Nam – quốc gia nằm trong tốp 5 cường quốc xuất khẩu trà thế giới. Văn hóa trà Việt nổi trội ở dòng văn hóa trà dân gian gắn với lễ cúng cây chè tổ, hội uống chè tươi…, tạo ra sự khác lạ, dễ thu hút du khách yêu trà; đây chính là tài nguyên tiềm năng và giá trị để phát triển du lịch. Việt Nam cũng nên có chiến lược mở đường đào tạo nguồn nhân lực gồm các nghệ nhân trà, hướng dẫn viên du lịch có đủ kiến thức lan tỏa văn hóa trà Việt ra cộng đồng và thế giới.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-o-vung-che-dong-bac-200679.html