Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu hiện nay hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chưa được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư. Trong khi, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực hiện cả thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư để triển khai bảo đảm phù hợp giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 32/2024/NĐ-CP.
Ngoài ra, Luật Đầu tư năm 2020 quy định những tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nhưng không quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu để bảo đảm khả năng huy động vốn thực hiện dự án đầu tư nên không có cơ sở thẩm định. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, đảm bảo việc huy động các nguồn lực thống nhất giữa các dự án.
Về thủ tục đầu tư đặc biệt, đại biểu đề nghị bổ sung quy định liệt kê các quy định liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy, để sửa đổi theo hướng loại trừ các dự án đầu tư được liệt kê tại khoản 1 Điều 36a trong các thủ tục liên quan.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thu hút đầu tư đối với lĩnh vực này. Theo đại biểu, trước đây, định mức đầu tư là quá cao nên không có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp dược tại Việt Nam. Vì vậy, việc hạ mức đầu tư của dự án sẽ thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp dược, để người dân được thụ hưởng các chính sách liên quan đến công nghiệp dược, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp dược trong thời gian tới…
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ vốn trung hạn bố trí cho dự án so với tổng mức đầu tư của dự án. Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại quy định tại Điểm 5 khoản 12 Điều 4 để đảm bảo các quyền lợi của nhà thầu khi thực hiện đấu thầu.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, cùng một số quy định khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Đồng thời, đề nghị xem xét bổ sung quy định về đấu thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các chương trình nghệ thuật. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trường hợp thay đổi tỷ lệ góp vốn trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo đại biểu, hiện nay dù chưa có quy định cụ thể nhưng trên thực tế có nhiều dự án nhà đầu tư đề nghị thay đổi tỷ lệ góp vốn trong liên doanh hoặc nhà đầu tư xin rút khỏi liên doanh.
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị bổ sung quy định về huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch; thẩm định; đánh giá; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Còn về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, đại biều đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này trước khi xây dựng hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, gửi xin ý kiến của cơ quan có liên quan”, vì không phù hợp với điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu thảo luận.
Góp ý về Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đại biểu cho rằng dự thảo nêu khái niệm về vụ việc hình sự còn tùy hiểu, chưa có quy định giải thích vụ án hình sự, trong khi có nhiều ở Bộ luật hình sự, do vậy đề nghị xem xét giải thích để rõ phạm vi.
Về các biện pháp xử lý vật chứng tài sản, tại khoản 1 quy định trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý, đại biểu nghị xem xét lại, vì tổ chức tín dụng bao gồm cả tổ chức tín dụng phi ngân hàng, không có chức năng nhận tiền gửi. Do đó, cần bảo đảm rõ ràng trong quá trình thực hiện khi nêu “tổ chức tín dụng”, trong khi các quy định ở dưới đều ghi là các ngân hàng thương mại.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn quy định nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa và quy định giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng…
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-to-ve-mot-so-du-an-luat-nghi-quyet-201089.html