>>> Bài 1: Hướng tới nông nghiệp hiện đại
>>> Bài 2: Thách thức đặt ra
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Ngoài câu chuyện về phá vỡ quy hoạch, hay sản xuất hàng hóa thiếu bền vững, thì một trong những bài toán khiến ngành nông nghiệp đau đầu tìm lời giải nhiều năm nay, chính là câu chuyện ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất và hình thành các chuỗi sản xuất nông lâm nghiệp bền vững.
Những mô hình trồng thanh long quy mô trang trại xuất hiện ngày càng nhiều tại xã Lương Thiện (Sơn Dương).
HTX nông sản và dược liệu Minh Thảo, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đã áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm cam sấy khô, sấy dẻo… hình thành được chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân. Chị Lương Minh Thảo, Giám đốc HTX chia sẻ, sản phẩm cam sấy không còn quá mới mẻ với người tiêu dùng. Vì vậy, muốn xây dựng một thương hiệu mới, HTX phải chú trọng vào chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, yên tâm khi sử dụng.
Hiện HTX đầu tư 4 máy sấy nhiệt với công suất sấy 300 kg cam sấy khô/ngày. Cam tươi ngay sau khi thu hoạch được vận chuyển về xưởng sản xuất của HTX để làm sạch, thái lát bằng máy và đưa vào hệ thống máy sấy nhiệt. Một mẻ cam sấy kéo dài trong khoảng 24 giờ, trung bình, khoảng 12 kg quả tươi sau khi sấy sẽ cho khoảng 1 kg cam sấy khô. Mỗi năm HTX sản xuất được 30 tấn cam sấy khô. Cam sấy thành phẩm được đóng gói và xuất bán ra thị trường. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của HTX còn được xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông. Ngoài sản phẩm cam sấy, HTX còn sấy dứa, chanh, hoa đu đủ, trà hoa vàng…, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo cũng là đơn vị có 2 sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu sang Anh là siro chanh, siro tắc.
Theo báo cáo đánh giá của ngành nông nghiệp sau gần 1 nhiệm kỳ thực hiện Đề án Tái cơ cấu, thì tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa áp dụng nông nghiệp công nghệ cao hiện mới đạt trên 10%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt thấp 17%, trong khi mục tiêu trên 25%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt 10%, thấp hơn mục tiêu Đề án 5%. Tổng diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 0,5%, trong khi mục tiêu trên 1% tổng diện tích đất cây trồng chính và 1,5% diện tích các cây trồng chủ lực. Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả 38%, trong khi mục tiêu trên 80%.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp thừa nhận, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế; việc phát triển sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái còn chậm; khâu chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển chậm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ
Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp từ nay đến hết nhiệm kỳ và đến 2030.
Giai đoạn này, nhiều nghị quyết hỗ trợ riêng cho ngành nông nghiệp được tỉnh ban hành, hỗ trợ.
Nông dân Hào Phú (Sơn Dương) ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào chăm sóc cây trồng.
Như Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến hết tháng 6-2024 đã hỗ trợ trên 100 tỷ đồng cho 9.362 lượt tổ chức, cá nhân tại 7 huyện, thành phố.
Nghị quyết số 10 Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 đã hỗ trợ 97 dự án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn ngân sách nhà nước cấp trên 159 tỷ đồng…
Từ 2021-2024, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 13 đề tài, dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp, hệ thống khuyến nông đã triển khai thực hiện được trên 350 mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Ngành bổ sung thêm 4 giống lúa và 5 giống ngô mới đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tuyên Quang vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn. Một mặt là do quy hoạch đô thị, công nghiệp còn chồng chéo, đan xen và phá vỡ quy hoạch nông nghiệp, đặc biệt trong việc chia cắt thủy lợi, đất đai. Một mặt là do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tàu, mang tính dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp. Việc thuê đất, tập trung đất còn nhiều khó khăn, phức tạp làm cản trở các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp, khiến cho họ chưa thực sự yên tâm trong sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Một trong những giải pháp ngành nông nghiệp tập trung thực hiện trong giai đoạn này và trong những năm tiếp theo là tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, ít tác động đến môi trường. Từ chính những mô hình, ngành kỳ vọng sẽ tạo ra những ngành hàng có sức cạnh tranh lớn, hướng đến xuất khẩu, từ đó, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ sức khỏe, đủ tâm huyết vào đầu tư.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-co-hoi-va-thach-thuc-bai-cuoi-de-nong-nghiep-la-tru-do-cua-nen-kinh-te-197557.html