Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công, bội chi ngân sách
Tại phiên làm việc, đa số đại biểu cho rằng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các vấn đề về tài chính, ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), điều này được thể hiện qua thu ngân sách năm 2022 đạt vượt dự toán 28,8%; thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt vượt dự toán; cân đối ngân sách, chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách…
Về công tác quyết toán ngân sách năm 2022, ngay sau khi có Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ đã ban hành chỉ thị với nhiều giải pháp cụ thể thực hiện đạt kết quả. Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tăng cường giám sát, làm việc với các bộ ngành liên quan đôn đốc thực hiện quy định của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 7/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ Tài chính, các bộ ngành địa phương, Kiểm toán Nhà nước có nhiều cố gắng trong công tác báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước. Tăng cường cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; rà soát, thu hồi tạm ứng quá hạn và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng, qua số liệu về quyết toán năm 2022 cho thấy, công tác điều hành ngân sách của Chính phủ khi 3 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt. Đó là số tăng thu của năm 2022 rất cao, tạo ra nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, tuyến đường liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia và địa phương; số thực chi thấp hơn dự toán; số bội chi ngân sách cũng rất tiết kiệm, chi thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cần đánh giá đầy đủ bức tranh nợ xây dựng cơ bản
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục.
Cụ thể, theo bà Lan, số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Đặc biệt, số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ đồng. Như vậy, giảm nhiều so với dự toán.
Theo đại biểu, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, lập dự toán ngân sách nhà nước các năm sau.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) nêu ý kiến tại phiên làm việc sáng 7/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
“Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, số chuyển nguồn ngân sách sang năm sau còn rất lớn. Đại biểu Đỗ Thị Lan khẳng định, nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách.
Điển hình như, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%. Thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động phải chuyển nguồn sang năm 2023, năm 2024.
Vì vậy, những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cần có giải pháp để khắc phục.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải đánh giá toàn diện đầy đủ về bức tranh nợ xây dựng cơ bản, hiện chưa có xu hướng giảm, lại xuất hiện mới. Riêng năm 2022, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy, đã phát hiện thêm hơn 4 nghìn tỷ nợ xây dựng cơ bản.
“Nếu không rốt ráo vấn đề này sẽ phát sinh nợ mới”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai lưu ý.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần phải đánh giá toàn diện, đầy đủ về bức tranh nợ xây dựng cơ bản. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Theo đại biểu, doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư công. Bộ Tài chính đã rất nỗ lực, thúc đẩy khối lượng hoàn thành cho doanh nghiệp, tuy vậy, vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng nhà thầu để tháo gỡ khó khăn.
“Nếu chúng ta không làm rõ trách nhiệm thì sẽ vẫn tái diễn tình trạng này”, đại biểu đoàn Hà Nội cảnh báo.
Chuyển nguồn lớn chủ yếu để tích lũy cải cách tiền lương
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong số chuyển nguồn của ngân sách năm 2022 sang năm 2023, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương là lớn nhất, với 432.350 tỷ đồng (chiếm 37,7%).
Ngoài ra, còn phải kể đến các khoản như chi đầu tư phát triển là 313.165 tỷ đồng, chiếm 27,3%; tăng thu tiết kiệm chi là 287.374 tỷ đồng, chiếm 25%; các khoản chi được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 là 20.379 tỷ đồng, chiếm 1,8%; kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nhà nước là 9.986 tỷ đồng, chiếm 0,87%; kinh phí nghiên cứu khoa học là 4.160 tỷ đồng và kinh phí mua sắm thiết bị…
“Số chi chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển nguồn theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua một số năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn”, Bộ trưởng Tài chính nêu.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên làm việc sáng 7/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan từ các đơn vị sử dụng ngân sách, không quyết liệt trong triển khai dự toán, nhiều nhiệm vụ không chi hết phải chuyển năm sau thực hiện. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.
Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản mà đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề cập, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, qua tổng hợp thấy nợ của các bộ, ngành Trung ương rất ít, còn các địa phương, đặc biệt ngân sách tỉnh và ngân sách huyện là khoản nợ nhiều.
“Vì khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khoản thanh toán cho các dự án có thể bố trí thiếu, bố trí sót, hoặc chưa bố trí, mà lại bố trí đầu tư công trung hạn cho các dự án mới. Các dự án cũ mặc dù hoàn thành nhưng không được bố trí. Do vậy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải kiểm soát điều này”, Bộ trưởng nêu.
Lý do thứ hai, theo Bộ trưởng, có những dự án thủ tục đầu tư có thiếu sót, cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư nhưng không kịp thời nên ngân sách địa phương bố trí không kịp thời.
Vấn đề thứ ba là khi hoàn thành các khối lượng công trình, lên phiếu giá công trình, tuy nhiên chưa gửi đến Ủy ban nhân dân các cấp để xác định đó là khoản nợ hay các công trình đã hoàn thành phê chuẩn quyết toán nhưng chưa được đề xuất để bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.