Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 57 địa phương có tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trong quý I, trong đó có 5 địa phương ghi nhận GRDP tăng trưởng ở mức hai con số.
Dẫn đầu về tăng trưởng GRDP là Bắc Giang với mức tăng trưởng đạt 14,18%, là địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I cao nhất trong cả nước với mức tăng 23,9% so cùng kỳ nhờ hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2023. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng vì cùng kỳ năm 2023, GRDP của Bắc Giang chỉ tăng hơn 6,6%.
Thanh Hóa cũng là địa phương vào top 5 tăng trưởng GRDP cao, đạt mức tăng 13,15% và có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 20%. Trong top 5 về tăng trưởng còn có Trà Vinh, Khánh Hòa, Hà Nam với mức tăng trưởng GRDP lần lượt là 13,93%, 12,4%, 10,98%.
Trong quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Đáng lưu ý, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở 54 địa phương và chỉ còn giảm ở 9 địa phương trong cả nước. Một số địa phương phát triển quy mô công nghiệp lớn có chỉ số sản xuất công nghiệp cao là Quảng Ninh tăng 14%, Hải Dương tăng 13,4%, Hải Phòng tăng 10,4%, Vĩnh Phúc tăng 6,7%, Thái Nguyên tăng 6,2%.
Bên cạnh đó, một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng ở mức thấp hoặc giảm. Cụ thể, chỉ số IIP quý I của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.
Trong quý I/2024, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành một trong những điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tổng vốn FDI vào Việt Nam quý I/2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so cùng kỳ; vốn thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1%.
Vốn FDI đăng ký tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…
10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất đều là trung tâm công nghiệp lớn gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên.
Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án cấp mới và 77,6% số vốn đầu tư đăng ký của cả nước trong quý đầu năm.