Thời điểm xuống giống sản xuất vụ xuân thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây ra những khó khăn. Song bắt đầu từ tháng 3 trở đi, thời tiết tương đối thuận lợi, mưa nhỏ, mưa phùn xen kẽ những ngày nắng ấm tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện tại, hầu hết diện tích lúa đã bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng.
4 sào lúa của gia đình bà Lưu Thị Xuân, thôn Cây Thọ, xã Đức Ninh (Hàm Yên) tốt bời bời. Theo bà Xuân, lúa thời kỳ đứng cái, thắt eo dự tính lúa sẽ bật đòng vào cuối tháng 4. So với vụ xuân năm ngoái, đầu vụ có khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến quá trình bén rễ hồi xanh của lúa non.
Bắt đầu từ tháng 3 đến nay thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới dưỡng được cung cấp đủ, đặc biệt 2 trận mưa “vàng” cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã giúp cây lúa bật lên trông thấy. Bà Xuân chia sẻ, lúa đang kỳ đứng cái (làm và nuôi đòng) rất cần bổ sung dưỡng chất. Với kinh nghiệm của người làm nông nghiệp, bà bón kết hợp vừa đủ 3 loại phân gồm đạm, lân và kali. Theo bà Xuân, bón kết hợp lúa sẽ chắc bông, cây khỏe ít đổ rạp khi gặp phải những trận mưa kèm theo gió lớn vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Người dân thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) phun thuốc phòng bệnh đạo ôn lá cho lúa xuân.
Nông dân ở các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực thăm đồng, tập trung chăm sóc và ngóng chờ đón đòng xuân. Ông Nguyễn Thành Long, thôn Oăng, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chia sẻ, lúa đang trong giai đoạn làm đòng rất mẫn cảm với thời tiết cũng như sâu, bệnh hại. Bảo vệ lúa xuân, ông Long thường xuyên thăm đồng theo dõi sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, kịp thời xử lý khi phát hiện sâu, bệnh hại. Theo ông Long, lúa xuân đang phát triển rất tốt, song cũng rải rác một số chỏm, lá lúa có dấu hiệu của bệnh đạo ôn. Ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan, ông Long chủ động dùng thuốc đặc trị, phun phòng trừ.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua kiểm tra thực tế, diện tích lúa xuân trà chính vụ đang trong thời kỳ đứng cái, làm đòng, với trà lúa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhanh, đứng cái. Đây là thời điểm quan trọng và cần thiết cho việc chăm sóc, bón thúc phân đón đòng trên cây lúa, bởi bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng. Hơn nữa, bón thúc đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa vì đây là thời kỳ quyết định số hạt/bông.
Bảo đảm cho 1 vụ mùa bội thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có công văn chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tập trung làm cỏ cho lúa, giữ mực nước vừa đủ, ổn định trên chân ruộng; thực hiện bón phân để đón đòng với lượng 2 – 3 kg Kali và khoảng 0,5 – 1 kg Ure/sào, nếu lúa sinh trưởng và phát triển kém bà con cần bón thêm khoảng 0,5 – 1 kg đạm.
Ngoài bón phân, bà con chú ý làm sạch cỏ bờ để hạn chế sâu hại trú ngụ gây hại cho lúa bởi thời tiết đang chuyển mùa, trời âm u, số giờ nắng ít là môi trường lý tưởng để cho các đối tượng sâu, bệnh hại như: Đốm sọc vi khuẩn, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu… phát triển gây hại. Chi cục đã điều tra đồng ruộng cho thấy, các đối tượng: Ruồi hại nõn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rày nâu và rày lưng trắng, bệnh đạo ôn, khô vằn… đã xuất hiện rải rác, thậm chí có chỏm đã xuất hiện mật độ cao với đối tượng sâu từ 3 – 5 con/m2, bệnh là 3 – 5 %m2.
Riêng với bệnh đạo ôn, khô vằn đã xuất hiện điểm lúa nhiễm bệnh cục bộ từ 10 – 20% bệnh/m2 tại 2 huyện Hàm Yên và Yên Sơn. Trong khi bệnh đạo ôn là bệnh nguy hiểm nhất cho cây lúa trong thời kỳ làm đòng nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ bệnh sẽ lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa.
Để phòng trừ bệnh đạo ôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con theo dõi sát sao diễn biến bệnh trên cây lúa và thực hiện phun ngay các loại thuốc: Lúa vàng 20 WP, Trizole 20WP, Nativo750 WG… Với sâu hại khác như bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rày nâu bà con sử dụng một số loại thuốc sau: Regent 800WG, Actara 25WG, Padan 95SP, và Oturs 5SC… Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và đảm bảo thời gian cách ly phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường.
Vào thời điểm này, người dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa; thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn, chăm sóc, phòng trừ hiệu quả bệnh hại, đảm bảo vụ xuân thắng lợi.