Nhiều năm qua, bà Hoàng Thị Yên, thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được bầu làm người uy tín. Thôn 14 có 180 hộ dân sinh sống, đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm 80%. Bà Yên còn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn 14 từ năm 2012 đến nay. Câu lạc bộ hiện có trên 50 thành viên tích cực tham gia. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, bà Yên đã vận động người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cao Lan như sưu tầm, luyện tập và biểu diễn các điệu múa, làn điệu Sình ca, giữ gìn nét đẹp làm bánh trong các ngày lễ, tết.
Nhận thức được vai trò là người uy tín, bà Yên còn cùng với các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn vận động Nhân dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng đường bê tông và công trình thắp sáng đường quê. Hiện nay, thôn 14 đã bê tông hóa 100% đường nội thôn, 95% các tuyến đường trong thôn đã có đường điện thắp sáng, thôn không có nhà tạm. Các đám tang trong thôn giờ đã bỏ kèn trống, thực hành theo hướng tiết kiệm, văn minh, các đám cưới không tổ chức dưới lòng đường, vỉa hè.
Bà Hoàng Thị Yên (bên phải), người có uy tín thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) gương mẫu phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả để vận động Nhân dân làm theo.
Theo đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú, trên địa bàn xã hiện có 19 người uy tín sinh sống ở 18 thôn. Người có uy tín là lực lượng đi đầu trong công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, nhất là trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, góp phần làm tốt công tác hòa giải, giữ gìn an ninh trật tự ở các thôn.
Thôn Nà Coóc, xã Thanh Tương (Na Hang) là thôn đặc biệt khó khăn, nơi đây có 96% đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Với sự dẫn dắt của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín Nông Văn Sông, giờ đây đời sống của người dân ở Nà Coóc đã có nhiều đổi thay. Vừa là cán bộ thôn vừa là người uy tín nên ông Sông xác định bản thân phải gương mẫu trước tiên. Gia đình ông đi đầu trong chăn nuôi trâu sinh sản bán chăn thả, trồng cỏ voi trên diện tích 2.000m2. Sau đó, ông vận động nhiều hộ trong thôn cũng chăn nuôi trâu sinh sản.
Hiện nay, đàn trâu của cả thôn lên tới 120 con. Phát triển chăn nuôi trâu sinh sản nên nhiều hộ trong thôn có thu nhập khá, tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện nay chỉ còn 19%. Ông Sông còn vận động Nhân dân bê tông hóa gần 100% các tuyến đường nội thôn, liên thôn; vận động Nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động và hiến đất để xây dựng 2 cầu qua suối. Ông cùng với các hộ dân trong thôn nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ từ năm 2017 đến nay.
Nhiều năm nay, rừng ở Nà Coóc được bảo vệ nghiêm ngặt, không có phá rừng, đốt rừng, cháy rừng xảy ra. Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết, người có uy tín trên địa bàn xã đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ xã, thôn trong việc tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của cấp trên đến Nhân dân. Có sự tham gia tích cực của người có uy tín nên khi triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự tại các thôn đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Toàn tỉnh hiện có 1.343 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều người có uy tín còn là đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, đồng thời là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn. Do đó, tiếng nói, vai trò của người có uy tín được khẳng định rõ nét. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín đã khơi dậy được sự đồng thuận của Nhân dân đối với các nghị quyết của Đảng.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/cau-noi-dua-nghi-quyet-den-voi-nhan-dan-196648.html