Bài 1: Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm
Bài 2: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ
Đoàn kết vượt bão
Trận lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 9 được đánh giá là mạnh nhất 30 năm qua. Sự tàn phá của thiên tai đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho tỉnh và tưởng chừng sẽ khó có thể gượng dậy được. Vậy mà bằng nỗ lực, tinh thần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao nhất, Tuyên Quang đã kiên cường vượt qua tất cả.
Trận lũ lịch sử đã làm hàng trăm hộ dân bị mất nhà; hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp; vật nuôi, lồng bè và rất nhiều các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện đã bị thiên tai phá hủy. Ước tính thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 50% thu ngân sách của tỉnh trong năm 2024 – một con số chưa từng có. Trong lúc khó khăn nhất, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc với tinh thần đoàn kết, khẩn trương, quyết liệt trong công tác phòng, chống thiên tai và nhanh chóng khôi phục, tái thiết sản xuất sau bão.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bất kể giờ giấc, nguy hiểm có mặt ở tất cả các điểm xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng vũ trang, công an, quân đội, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ người dân. Không chỉ có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân Tuyên Quang cũng thể hiện một tinh thần tự giác, trách nhiệm cao. Mọi người đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản, nhà cửa, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh. Những hình ảnh người dân cùng nhau di chuyển đồ đạc, gia cố đê điều, giúp đỡ người già, trẻ em… đã trở thành biểu tượng đẹp về tình người, về sức mạnh cộng đồng.
Sản phẩm giấy của Cổng ty cổ phần Giấy An Hoà xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu và Mỹ.
Tại thời điểm tháng 9, tháng 10, các cuộc họp được tổ chức đều thể quyết tâm đồng tâm hợp lực, nỗ lực vượt qua khó khăn để tái thiết, trên cơ sở sự hỗ trợ quý báu từ các tỉnh, thành phố bạn, các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp. Những chuyến xe chở hàng cứu trợ, những khoản tiền hỗ trợ và những lời động viên, chia sẻ đã tiếp thêm sức mạnh, giúp người dân Tuyên Quang vững tin đứng dậy sau những tổn thất.
Khi các tỉnh lân cận vẫn còn bộn bề sau bão lũ thì trên mảnh đất Tuyên Quang bằng tinh thần đoàn kết, sự đồng tâm, hiệp lực Tuyên Quang đã sớm gượng dậy. Sản xuất được khôi phục, các tuyến đường, công trình bị tàn phá đã nhanh chóng được tái thiết, dấu vết của thiên tai đã được hàn gắn, một nhịp sống mới đã sớm trở về trên từng làng quê, con phố.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Bên cạnh bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết là bài học kinh nghiệm về sự chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nhiệm kỳ 2020 – 2025 và chuẩn bị các bước để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Xác định được điều này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, tỉnh đã chủ động chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh theo phương châm hành động năm 2024 của Chính phủ “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” và chỉ bàn làm, không bàn lùi trong bất cứ nhiệm vụ nào.
Chỉ đạo điều hành trong bất kỳ lĩnh vực nào, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời, nếu để chậm trễ là có lỗi với Nhân dân.
Sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở đã mang lại những thành quả xứng đáng. Các chỉ tiêu phát triển của các lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng, quy mô kinh tế vượt 50.000 tỷ đồng. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 15.600 tỷ đồng; vốn đầu tư công đạt trên 5.800 tỷ đồng.
Trong năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 45 nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án, trong đó có 18 dự án sản xuất công nghiệp và có thêm 13 dự án lĩnh vực công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó đã tạo lòng tin, sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh, từ đó tạo xung lực phát triển cho tỉnh trong giai đoạn mới.
Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua đã nhấn mạnh: Với mục tiêu duy trì đà tăng trưởng trên 9% trong năm 2025, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu hơn lúc nào hết phải có tư duy đổi mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”. Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Với nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2025 kỳ vọng sẽ tiếp tục là năm bứt phá để về đích trong phát triển kinh tế – xã hội và hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/buc-tranh-kinh-te-2024-vuot-bao-ngoan-muc-bai-cuoi-bai-hoc-doan-ket-203763.html