Kể từ đó đến nay, “di sản công nghiệp” đã được xem là một phần tạo nên thế mạnh của công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần đưa Hà Nội kết nối với mạng lưới Các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại phân xưởng 3B2 – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm luôn tấp nập người dân và du khách tham quan.
Những nhà máy đầu tiên
Các cơ sở công nghiệp ở Việt Nam xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn – Chợ Lớn sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam năm 1858. Ở Hà Nội xuất hiện muộn hơn, khi thực dân Pháp lập thành phố Hà Nội làm nhượng địa (năm 1888). Trước đó, Hà Nội không có xí nghiệp, nhà máy công nghiệp, hầu hết các cơ sở sản xuất có tính thủ công, quy mô nhỏ, được điều hành bởi các thành viên trong gia đình.
Đi sau đội quân viễn chinh Pháp chiếm đóng miền Bắc là các nhà tư bản Pháp. Họ bắt đầu xây dựng xí nghiệp, nhà máy ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã hình thành các nhà máy đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người Pháp, gồm: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Nhà máy Nước Yên Phụ, Nhà máy Bia Hommel (phố Hoàng Hoa Thám ngày nay), Nhà máy Gạch (phố Quán Thánh ngày nay), Nhà máy Thuốc lá, Nhà máy Diêm, Nhà máy Nước đá… Những cơ sở này sử dụng máy móc, thiết bị ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây, mở ra nền sản xuất mang tính công nghiệp ở Hà Nội.
Năm 1902, cầu Long Biên được hoàn thành, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn và Hà Nội – Lào Cai được đưa vào sử dụng, rất cần phải có nhà máy sửa chữa đầu máy, toa xe nên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra đời. Đầu thế kỷ XX, hệ thống tàu điện công cộng đã hoạt động ở một số tuyến, vì thế Nhà máy Sửa chữa tàu điện hình thành (phố Thụy Khuê). Tiếp đó là Nhà máy dệt, thuộc da, Nhà máy sửa chữa ô tô Aviat (sau 1954 là Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự nằm trên phố Phan Chu Trinh), Nhà máy Điện Yên Phụ…
Từ cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1954, Hà Nội có hơn 30 xí nghiệp, nhà máy do người Pháp, người Việt làm chủ. Nhiều trong số những nhà máy này có diện tích lớn, nhà xưởng bề thế, như Nhà máy Bia Hommel, Nhà máy Điện Yên Phụ, Xưởng Aviat, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Rượu, Nhà máy Nước đá, Nhà máy Xay… Các nhà máy này có cùng một lối kiến trúc công nghiệp như khung nhà bằng thép, mái hình sóng, trên lợp tôn, phần dưới chắn kính để ngăn nước mưa và lấy ánh sáng trời. Nhà xưởng cao hay thấp phụ thuộc vào cơ sở đó sản xuất gì.
Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng
Theo Hiệp định Genève ký kết năm 1954, Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, nhưng đất nước chia làm hai miền. Miền Bắc lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Và để phát triển công nghiệp, Nhà nước đã chủ trương “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”.
Từ năm 1956 đến tháng 8-1964, khi Mỹ đánh bom miền Bắc, hàng loạt nhà máy ra đời ở Hà Nội. Phía nam thành phố có Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Điện cơ Hà Nội, Điện cơ Thống Nhất. Dọc phố Minh Khai có Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu, Nhà máy Sợi Đức… Phố Trương Định có Nhà máy Hoa quả xuất khẩu, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà. Phía tây nam có Xưởng sửa chữa ô tô 3-2, Nhà máy Cơ khí Quang Trung. Phía tây là cụm công nghiệp gồm Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội… Phía tây bắc có Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội… Phía đông có Nhà máy Chế tạo biến thế trên phố Trần Nguyên Hãn, Xí nghiệp Chế biến gỗ Bạch Đằng. Phố Hàng Bột có Xí nghiệp Dược phẩm…
Giai đoạn Mỹ đánh bom miền Bắc và Hà Nội, một số nhà máy vẫn được xây dựng và đưa vào hoạt động, như Nhà máy Mỳ Chùa Bộc, Nhà máy Bi Xích Líp Đông Anh, Nhà máy Dệt bạt công nghiệp… Kiến trúc các nhà máy giai đoạn sau 1954 cho đến trước khi thực hiện đổi mới cơ bản vẫn là khung thép, cột thép hoặc bê tông, mái hình sóng có kính lấy ánh sáng…
Năm 1987, nhiều chính sách đổi mới được ban hành, Nhà nước xóa bỏ sản xuất theo kế hoạch và bao tiêu sản phẩm, các xí nghiệp, nhà máy tự hạch toán. Quá quen được bao cấp, vì thế nhiều xí nghiệp, nhà máy không theo kịp đà đổi mới, không có nguồn tài chính để đổi mới máy móc, công nghệ dẫn đến thua lỗ; lại có đơn vị sản phẩm làm ra không tiêu thụ được và kết quả là phải giải thể.
Trong những năm 1990 và những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều nhà máy, xí nghiệp biến thành khách sạn, tòa nhà văn phòng. Sau đó là chủ trương chuyển các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô và biến mặt bằng nhà máy rộng rãi thành khu chung cư mới, tòa nhà văn phòng. Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân bị bỏ hoang nhiều năm. Hiện tại chỉ còn Nhà máy Bia Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám xây dựng cuối thế kỷ XIX vẫn đang hoạt động.
Bệ đỡ cho công nghiệp văn hóa Thủ đô
Các nhà máy ra đời cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi xã hội Việt Nam và Hà Nội. Những người lao động tự do, làm việc bằng kinh nghiệm khi vào nhà máy phải thay đổi cung cách làm việc và gia nhập giai cấp công nhân. Năm 1954, chủ Nhà máy Điện Yên Phụ định phá hủy thiết bị, máy móc song công nhân đã đấu tranh, cất giấu thiết bị để nhà máy tiếp tục phát điện. Các nhà máy là bằng chứng của sự chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu sang sản xuất quy mô công nghiệp. Nhà máy còn là chồng lớp ký ức của thợ thuyền…
Mới đây, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố, thu hút rất đông người đến thưởng lãm. Ngoài xem những thiết kế sáng tạo, vui chơi, rất nhiều người tò mò muốn biết nhà máy xây dựng vào năm 1905 là thế nào, bên trong có gì.
Trên tầm nhìn tổng quan, bộ mặt của Hà Nội sẽ được nâng tầm nhờ bệ đỡ của các di sản văn hóa, trong đó có di sản công nghiệp. Biết khai thác thì đó sẽ là sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Nhưng quan trọng hơn, các chính sách bảo vệ và tái sử dụng di sản chỉ có ý nghĩa và thành công khi chính người dân được thụ hưởng, thấy gắn bó và tự hào, để chính họ trở thành những tác nhân gìn giữ di sản của thành phố mình.