Thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung một số hành vi khác bị nghiêm cấm theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước để trục lợi đối với tố chức, cá nhân được giao nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến thảo luận.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem lại quy định “Doanh nghiệp có thể thuê thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị độc lập” để có sự phù hợp với pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Theo quy định tại Điều 137 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì thành viên hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị độc lập được hình thành bởi đại hội cổ đông và hội đồng quản trị và ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập để thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2020.
Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trích Quỹ đầu tư phát triển theo hướng không quá 30%; số dư Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, không có kế hoạch sử dụng thì được hoàn nhập lợi nhuận sau thuế và chia cổ tức cho các chủ sở hữu, phần cổ tức được chia bằng tiền tương ứng với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.
Về hình thức đầu tư vốn nhà nước, đề nghị bổ sung thêm 1 khoản vào dự thảo Luật quy định về Đầu tư vốn từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Vì các hình thức đầu tư vốn của nhà nước tại Điều 21 đều sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có) mà không có nội dung về tăng vốn đầu tư nhà nước do sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó, bổ sung thêm các nội dung, trình tự thực hiện trong các trường hợp tăng vốn nhà nước do sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp; đề nghị bổ sung đối tượng cha dượng, mẹ kế vào khoản 5 Điều 43 quy định về tiêu chuẩn người đại diện chủ sở hữu vốn.
Cùng góp ý về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho rằng, so với Luật số 69/2014/QH13 đã bỏ đối tượng là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50%. Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư công và chương IV Luật Doanh nghiệp hiện hành thì đối tượng doanh nghiệp này không thuộc phạm vi áp dụng, trong khi đây là nhóm doanh nghiệp có vai trò quyết định, phủ quyết các nội dung quan trọng để nghị quyết đại hội đồng cổ đông được thông qua theo Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020… Do vậy, đề nghị rà soát và báo cáo về nội dung này.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà, dự thảo Luật hiện nay chưa có quy phạm để giải quyết khi xảy ra xung đột pháp luật giữa luật này với các luật liên quan, đề nghị rà soát lại và quy định nguyên tắc áp dụng quy định trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa luật này với các Luật liên quan.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo luật.
Đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền. Theo đại biểu nên có quy định về hồ sơ, thủ tục cơ bản trình lên Quốc hội đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hiện dự thảo đang thiếu những nội dung này. Ngược lại, dự thảo lại đang quy định chi tiết những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu, như trình tự, thủ tục phê duyệt chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm trong khi theo dự thảo việc phê duyệt nội dung này thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu…những nội dung này nên quy định tại văn bản dưới luật. Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước theo các hình thức đầu tư cần có quy định phù hợp thống nhất với các hình thức đầu đầu tư khác.
Về thẩm quyền sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung quy định của dự thảo việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Về thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, đại biểu cho rằng quy định này hiện nay đang còn mâu thuẫn, theo dự thảo nội dung này thuộc quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; còn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp thì nội dung này thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp…
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/dbqh-tinh-thao-luan-du-an-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-202252.html