Với quyết tâm tạo ra một hệ thống hành chính hiệu quả, bền vững và tiết kiệm, tỉnh đã tập trung vào việc cắt giảm các bộ phận không cần thiết, tinh giản biên chế, và tối ưu hóa quy trình làm việc. Điều này không chỉ nhằm giảm chi phí ngân sách mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tinh gọn bộ máy
Tổng Bí thư cũng đề cập đến thực tế, 70% ngân sách hiện đang dành cho chi trả lương và chi thường xuyên, tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp. Do vậy cần phải tập trung vào việc phân cấp, phân quyền để địa phương tự chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “xin – cho” gây lãng phí thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao đổi công việc.
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng ta đã có những đánh giá thẳng thắn, chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.
Tuyên Quang xác định, việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW không chỉ đơn thuần là giảm thiểu số lượng các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, mà còn là một quá trình tái cấu trúc toàn diện, đảm bảo bộ máy chính trị hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả. Để làm được điều này, tỉnh đã tiến hành các đợt rà soát sâu rộng nhằm đánh giá lại vai trò, chức năng của từng cơ quan, từ đó đưa ra các phương án sắp xếp, tinh gọn một cách hợp lý nhất.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc bằng các kế hoạch, chương trình, Đề án cụ thể. Trong quá trình thực hiện tỉnh đã chủ động, linh hoạt và có nhiều giải pháp hiệu quả để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương chung. Các biện pháp tinh giản biên chế, gộp các phòng ban có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đã được áp dụng, giúp giảm tải nguồn lực và tiết kiệm ngân sách cho tỉnh. Tỉnh cũng chú trọng cải cách hành chính, loại bỏ các quy trình rườm rà, không cần thiết, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức và tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị.
Lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đến nay, tỉnh đã sắp xếp, giảm đối với cơ quan, tổ chức hành chính đã thực hiện sắp xếp giảm 40 phòng và tương đương cấp tỉnh và 1 phòng cấp huyện; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện giảm 89 đơn vị sự nghiệp công lập và 249 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập. Hằng năm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết giao và UBND tỉnh ban hành quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc không vượt số lượng được cấp có thẩm quyền giao và phù hợp cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện tinh giản 264 biên chế công chức, và 2.468 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Kết quả giải quyết chế độ nghỉ sớm, từ năm 2022 đến nay đã tinh giản 359 người. Số lượng cấp phó của cơ quan cấp tỉnh được bố trí tối đa là 57 người.
Tăng phân cấp, phân quyền
Chủ tịch UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm của 21/21 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh; 7/7 huyện, thành phố và 553 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực theo danh mục vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và đảm bảo yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng giảm vị trí phục vụ, thừa hành, tăng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc sắp xếp, phê duyệt vị trí việc làm giúp các cơ quan tinh gọn đội ngũ, tăng tính chuyên môn, nghiệp vụ.
(Ảnh: Cán bộ các sở, ngành tiếp nhận TTHC thông qua 1 đầu mối tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công).
Việc phân cấp, phân quyền đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, thống nhất thông qua Đề án về phân cấp, phân quyền nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị được phân cấp, phân quyền đã chủ động, tích cực quán triệt, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được phân cấp, phân quyền theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị góp phần phát huy tính chủ động của cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, quy định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan.
Tỉnh cũng đã hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình để khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, UBND tỉnh 20/20 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh.
Sau sáp nhập, toàn tỉnh giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã; thực hiệp sáp nhập 689 thôn, tổ dân phố để thành lập 332 thôn mới, tổ dân phố mới. Tiếp đó một số địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, thực hiện sáp nhập thôn nhằm đảm bảo quy mô dân số, diện tích theo quy định. Đến nay, các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập đều hoạt động mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là bộ máy tinh gọn hơn, giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, giảm chi từ ngân sách nhà nước, trong khi đầu mối giải quyết công việc lại được thu gọn và hoạt động hiệu quả hơn.
Từ thực tiễn hoạt động các địa phương cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố đã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng quy mô thôn, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý, năng lực của cán bộ cơ sở; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong tổ chức thôn, bản, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế – xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải, lãng phí đầu tư.
Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong khi nỗ lực dành ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền cần kiên trì thực hiện các giải pháp, triệt để chống lãng phí chính từ việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 – 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/sap-xep-tinh-gon-bo-may-hanh-chinh-201368.html