Các đại biểu dự tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự Chương trình tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau; để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Theo Thủ tướng, Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững”.
Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Chương trình tại điểm cầu Tuyên Quang.
Đối với tỉnh Tuyên Quang, qua ba năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hạ tầng số, các nền tảng số được triển khai ứng dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã được kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Nhận thức, thói quen từ môi trường thực sang môi trường số của người dân từng bước được chuyển đổi; tiến trình chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, đã hoạt động tích cực góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Tại sự kiện, các đại biểu tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị đã có các tham luận, chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh cũng như các giải pháp công nghệ số đang triển khai tại doanh nghiệp.
Chương trình cũng giới thiệu những kết quả nổi bật và dấu ấn của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể cũng đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ công nghệ số cộng đồng.
Phát biểu kết luận tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần phải vận dụng, phát huy tối đa sự linh hoạt, sáng tạo trong nhân dân. Quan điểm xuyên suốt trong chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, làm trung tâm. Do đó, chuyển đổi số phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; phải thực chất và hiệu quả, gắn với chuyển đổi xanh, đổi mới và sáng tạo.
4 ưu tiên chính của chuyển đổi số quốc gia trong năm 2024 gồm có: Ưu tiên phát triển dữ liệu số, đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số; ưu tiên quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, đây sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo – đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi số thành công trước hết là chuyển đổi mạnh mẽ về thể chế số. Điều này đòi hỏi phải xây dựng thể chế cho chuyển đổi số thông thoáng, huy động được mọi nguồn lực người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Tiếp theo phải đẩy mạnh hạ tầng số và các hạ tầng chiến lược khác. Cùng với đó phải thực hiện được đột phá về nhân lực số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.
Với những nỗ lực quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc chuyển đổi số, Thủ tướng tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số của đất nước sẽ tiến nhanh, bao trùm, bền vững, góp phần quan trọng vào xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/chuyen-doi-so-phai-sau-rong-toan-dien-thuc-chat-va-hieu-qua-200052.html