Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố là lãnh đạo, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lực lượng Quân sự, Công an, đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3.
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, trong đó có Tuyên Quang.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, ngày 12-9-2024, Đoàn công tác do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trực tiếp kiểm tra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Sơn Dương; thăm hỏi, động viên Nhân dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra trên địa tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tổ chức 10 cuộc họp, ban hành 25 văn bản, Công điện, Quyết định của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra và xử lý sự cố đê điều. Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban đảng Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong thời gian trước, trong và sau hoàn lưu cơn bão số 3, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Tuyên Quang đã trực 24/24h, ban hành 105 bản tin dự báo, cảnh báo về tin bão, mưa lớn, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất; cập nhật trị số mực nước 01 lần/giờ, tăng tần suất ban hành bản tin lũ khẩn cấp phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó với tình hình lũ, ngập lụt. Báo Tuyên Quang Online thực hiện hàng trăm các bản tin, phóng sự về diễn biến, cảnh báo về tin bão, mưa lớn, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa sức người, sức của để phòng chống, ứng phó từ sớm từ xa, nhưng do bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ mạnh có tính kỷ lục và diễn biến rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nên mức độ thiệt hại là rất lớn.
Đại biểu thảo luận, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Tính đến ngày 30-9, có 5 người chết, 10 người bị thương; trên 20.400 nhà bị ảnh hưởng, trong đó: 82 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 144 nhà bị thiệt hại rất nặng; 6.233 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 2.992 ha cây trồng hằng năm, lâu năm, ăn quả bị ảnh hưởng; hàng nghìn vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi; 948 ha rừng trồng bị gãy đổ; 499 ha diện tích nuôi cá và 527 lồng nuôi cá bị thiệt hại. 57 điểm trường, 13 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại. Về giao thông: 315 điểm đường giao thông bị sạt lở, 4 cây cầu bị hư hỏng; 526 cột điện các loại bị gẫy, đổ, 7 trạm điện, 119 trạm viễn thông mất liên lạc và 112 cột viễn thông bị hư hỏng.
3 nhà máy thuỷ điện (Sông Lô 8A, 8B và nhà thuỷ điện Chiêm Hoá) bị ảnh hưởng thiệt hại; trên 4.000 m kè, 15.437 m kênh mương, 38 cống, 62 đập thuỷ lợi, 1 trạm bơm bị hư hỏng; 6 sự cố về đê, kè, trong đó nguy hiểm nhất là sự cố vỡ tại xã Quyết Thắng (Sơn Dương). Mưa lũ cũng làm 6 chợ, trung tâm thương mại bị ảnh hưởng thiệt hại; 24 công trình cấp nước bị hư hỏng…Ước tính thiệt hại gần 1.900 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể. Ảnh: Thanh Phúc
Công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp, các ngành thực hiện khẩn trương, tập trung, chủ động theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Công tác hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng linh hoạt, triển khai toàn diện và đạt kết quả thiết thực, đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân; phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra được hưởng ứng mạnh mẽ.
Trên 8.100 người với trên 18.400 lượt cán bộ, chiến sĩ; trên 100 ôtô, 77 xuồng, thuyền, ca nô các loại, trên 6.090 phao tròn, phao bè, 150 nhà bạt cứu sinh, 11.690 áo phao cùng nhiều các trang thiệt bị khác để tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra. Đã có trên 5.000 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm và cứu hộ thành công 9 người; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng, nhà ở bị đổ sập, cuốn trôi; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông, sản xuất nông lâm nghiệp đã nhanh chóng khôi phục.
Sau bão, Tuyên Quang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Trung ương, các tỉnh thành phố, các tổ chức, cá nhân, kiều bào ở nước ngoài. Đến ngày 3-10, tỉnh đã tiếp nhận trên 99 tỷ đồng tiền mặt; 470 tấn nhu yếu phẩm…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao tặng Bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Thanh Phúc
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, một số chính quyền địa phương và người dân do còn chủ quan, chưa chủ động trong việc phòng, tránh và khắc phục hậu quả sau thiên tai gây ra, chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân, cộng đồng về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa được sâu rộng; công tác dự báo khí tượng thủy văn, dự báo đỉnh lũ có thời điểm chưa sát với thực tế dẫn đến việc ứng phó còn lúng túng, bị động làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành phòng chống mưa lũ đạt hiệu quả cao. Thông tin chỉ huy, điều hành gặp khó khăn khi hạ tầng viễn thông bị hư hỏng; giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập, công tác báo cáo cung cấp thông tin, số liệu còn có lúc chưa kịp thời.
Tại phần thảo luận các đại biểu đều cho rằng, trận lũ lịch sử vừa qua đã cho thấy vẫn còn thiếu trang thiết bị để phục vụ công tác ứng phó, phòng, chống; việc dự báo vẫn chưa sát với thực tế. Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là mưa lũ sẽ xảy ra với cường độ, mức độ lớn hơn, phức tạp hơn, do vậy phải đặt ra tình huống cao hơn để có phương án ứng phó, trong đó đặc biệt là vấn đề dự báo, từ đó tính đến thiết lập, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai phòng, chống loại hình thiên tai nguy hiểm như: mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất…phù hợp với điều kiện mới, tình hình mới. Thực hiện gia cố các công trình đủ sức chống chịu với từng mức độ của thiên tai; rà soát, đánh giá các khu vực để có phương án xây dựng các khu vực tránh, trú ở từng cấp độ trong thời điểm thiên tai xảy ra. Trước mắt phải xem xét yếu tố ổn định cuộc sống người dân sau lũ, cụ thể là sắp xếp, bố trí ổn định dân cư và các điều kiện để đảm bảo cuộc sống….
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nông Thị Bích Huệ trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.
Ảnh: Thanh Phúc
Phát biểu Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn ghi nhận nỗ lực của các ngành, địa phương, lực lượng Công an, Quân đội, Nhân dân trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, kiều bào đã cùng người dân Tuyên Quang nhanh chóng gượng dậy sau lũ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Qua thực tiễn về công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra cho thấy công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai phục vụ việc chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống, ứng cứu phải kịp thời, sát với tình hình thực tế; chủ động theo sát diễn biến thiên tai, chỉ đạo từ sớm, từ xa hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai xảy ra. Tuy nhiên thiên tai còn diễn biến rất bất thường, các tình huống thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra. Do đó, cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống thiên tai phù hợp thực tế; thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật và hoàn thiện để phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Cần có sự chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, nhất là phải cương quyết, quyết liệt, nhất quán trong công tác di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng, khu vực nguy hiểm, thực hiện “Quân lệnh như sơn”. Vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương. Trong đó, việc bảo đảm phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng, chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm đúng mức.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể. Ảnh: Thanh Phúc
Khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất của Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát; khẩn trương rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, nhất là khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tổ chức huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để bố trí tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31-12-2024.
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đặc biệt là việc hỗ trợ kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, mưa, lũ, kịp thời đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, các công trình thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học,…
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân. Ảnh: Thanh Phúc
Tiếp nhận, triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc, phân bổ kịp thời nguồn lực hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng góp phần ổn định đời sống nhân dân. Tập trung rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.
Rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện để ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong mọi tình huống. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, rừng đặc dụng.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các địa phương: Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai. Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động có biện pháp phòng, chống hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh: Tiếp tục thực hiện tiếp nhận kinh phí, nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, phối hợp với các huyện, thành phố các đơn vị liên quan thực hiện phân bổ hỗ trợ đến người dân, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai đảm bảo công tâm, khách quan; kịp thời chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng chống thiên tai; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt hại theo quy định; định hướng vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, chia sẻ, ủng hộ các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra…
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã khen thưởng cho 73 tập thể, 105 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/so-ket-danh-gia-rut-kinh-nghiem-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-199684.html